Ngày xưa, lúc Hồ Bảy Mẫu vẫn còn là ngổn ngang những không tên ngõ, vô danh nhà, thì cái cây si trăm năm của Hồ Gươm đã là một cây già cỗi. Tô Hoài viết "Những ngõ phố" năm 77, lúc ông 57 tuổi, về một Hà Nội sau bốn nhăm, cũng đã viết nhiều về cây Hà Nội. 

Thế mà...

Cây giống như là một phần của Hà Nội. Tám năm chống Pháp, 10000 ngày chống Mỹ, gian khổ hứng bao bom đạn, nhưng cây Hà Nội vẫn hiên ngang đứng. Thầm lặng đứng che nắng, che mưa cho 1 thời niên thiếu, 1 thời trưởng thành, 1 đời người. Thầm lặng ngắm thành phố chuyển mình.

Thế mà...

Một Hồ Tây rợp bóng muồng tây, một Hồ Gươm "xanh xanh như tấm gương" rợp liễu, một Vạn Bảo rực phượng đỏ, một Phan Đình Phùng trải vàng lá thu....

Thế mà...

Thế mà bây giờ người ta cứ đốn cây ầm ầm, đốn như căm hận lắm. Và đốn để làm gì? Nghe bảo để trồng cây mới, để đường nó "đồng phục" 1 cây cho đẹp. Thế là đốn cho vui à??? Đốn để mười năm sau nó mới mọc cây mới, thế trong 10 năm đó người Hà Nội sẽ làm gì khi nắng gắt, khi hạ sang??? Trồng trăm năm, phá 5 ngày.

Nghe tiếng đốn cây, nghe trên TV thôi mà thấy đau lòng.

"Khung trời thu Hà Nội xanh và cao, trong vắt. Em nhìn thẳng lên, ánh mặt trời bị che khuất bởi những tán cây, chiếu qua kẽ lá thành từng tia vàng..."

Nhớ là viết hồi học tiểu học. Không nhớ đề.

10 năm nữa, các em tiểu học đâu còn biết cảm giác này...


(Ảnh: kenh14.vn)

Tái bút:

Nhớ hồi xưa ông nội có một ông bạn vong niên, lớn hơn tầm chục tuổi, khi trẻ đi du học ở Đông Âu, rồi ở riết luôn không về. Lúc uống trà với ông, ông ấy kể: "Cái cây si nó vẫn còn đó ông ạ. Từ hồi bé tôi ở đó nó đã nghiêng. Bây giờ nó vẫn còn đó. Chỉ nhìn thôi là chảy nước mắt. Giá còn khỏe có khi vẫn trèo lên chơi....".

Đinh Công Nguyễn – 12D4