- Mẹ lúc nào cũng so sánh thôi. Sao mẹ không làm mẹ của bạn ấy luôn đi

Tôi vùng vằng bỏ lên tầng, đóng sầm cửa lại. Sao mẹ lúc nào cũng chỉ biết mắng nhiếc và so sánh.

Đó là giọng của tôi. Xin tự giới thiệu, tôi là Kem. Một đứa con gái đã trượt trường chuyên làm xấu hổ gia đình trong mắt mẹ tôi.

- Tôi vừa cãi nhau với mẹ xong, toàn lôi mấy chuyện linh tinh ra để nói. Bực chuyện ở đâu đâu rồi đổ lên người tôi- Bánh nằm cái phịch xuống giường của tôi, tiện tay vớ lấy cái điện thoại bắt wifi. Bánh là đứa bạn thân xa lắc xa lơ mà tôi không nhớ nổi chúng tôi đã gặp nhau như thế nào. 16 năm có lẻ.

Tôi cũng thở dài ngao ngán;

- Mẹ tôi cũng thế thôi, đang bực chuyện này lại lôi mấy chuyện bé bằng mắt muỗi từ hôm kia hôm kìa ra ngồi nói. Chẳng hiểu sao.

- Hôm qua tôi ngủ dậy muộn, để ăn trưa luôn, cuối cùng về nhà bị mắng té tát, Quyên bức xúc.

- Tôi thì hơn à, có mỗi vài cái áo trắng. Tôi đã nói là nắng tôi không giặt được, để tối giặt cho mát. Thế mà mẹ tôi lại ngồi nói luôn được nào là ngày xưa sáng sớm mẹ đi vớt bèo cho lợn, gặt lúa, gánh hàng cho bà, nào là giờ tôi được chiều lắm nên ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ. Mà tôi vẫn giặt quần áo chứ có phải không đâu.

Những câu chuyện về mẹ của chúng tôi không bao giờ là chủ đề nhàm chán, vì chính 2 bậc thân mẫu luôn làm cho chúng trở nên mới mẻ.

Sáng chủ nhật, tôi chạy sang nhà Bánh (nhà chúng tôi cách nhay có mấy chục mét). Đứng bên ngoài cửa đã nghe thấy chuyện chẳng lành. Theo kinh nghiệm của tôi thì trong 36 kế, kế chuồn là thượng sách. Y như rằng, tối đó Bánh mò sang nhà tôi.

- Mẹ tôi đem hết mấy quyển truyện tranh đốt đi rồi. Mang ra giữa đường đốt ấy, kiểu cố tình cho mọi người nhìn thấy.

- Ha, vậy để tôi nói cho mà nghe. Tôi mới tụt có 0,5 điểm trong kì thi tập trung vừa rồi thôi, mẹ tôi đã định đem số tiểu thuyết, sách văn học của tôi đi bán đồng nát. Tôi phải chịu mắng suốt mấy ngày trời. Là 0,5 điểm đấy. Bà không bao giờ bị mắng vì chuyện học hành là tốt rồi.

Năm chúng tôi thi vào cấp 3, Bánh thi đỗ chuyên Toán của một trường nhất nhì cả nước. Tôi trượt và vào học một cái trường - không - đủ - đảm - bảo - tương - lai như mẹ tôi kì vọng. Từ đó, mẹ đánh mất toàn bộ niềm tin nơi tôi, sểnh ra một tí là mẹ tôi lại đem tôi ra so sánh với Bánh. Hơi một tí là “con nhà người ta đang học chuyên kia kìa”. Tôi biết thân biết phận là lỗi của mình nên chẳng nói được gì. Nhưng vì mỗi chuyện trượt chuyên thôi mà mẹ cấm đoán tôi đủ chuyện. Cái tôi thất vọng nhất là mẹ chẳng bao giờ tin tưởng tôi. Dù là những chuyện nhỏ nhất. Sáng tôi ở nhà một mình thì mẹ sợ tôi xem phim trên máy tính. Đi học thì sợ tôi “đú đởn” bạn bè (trường tôi học hầu hết đều là con nhà giàu). Cho tôi dùng điện thoại đa phương tiện thì sợ tôi lên mạng, tôi mà làm bài tập nhóm trên máy tính là lại bị mắng là không tập trung vào môn chính, toàn học cái vớ cái vẩn, tối hôm nào đi ngủ sớm là y như rằng hôm sau lại nghe “hát” luôn... Tôi có cảm giác mình là cái gai trong mắt mẹ vậy.

- Tôi thì lúc nào cũng xác định xếp bét trong cái lớp ấy rồi.

- Bét trong cái trường của bà còn hơn nhất trong cái lớp của tôi.

- Mẹ tôi lúc nào cũng nói tôi lười, chẳng chịu làm gì, nhìn bạn Kem kia kìa. Bạn ấy đi học mà vẫn nấu cơm rửa bát lau nhà các loại.

- Mẹ tôi thì chỉ mong tôi học được như bà. Mấy cái việc nhà này mai sau lớn lên học cũng không muộn, nhưng học hành á, muộn là hối không kịp.

Hai chúng tôi nhìn nhau, không biết làm sao.

- Kem ơi, dậy đi. Con gái con lứa mà ngủ chảy thây chảy xác ra thế à. Dậy giặt giũ quét nhà quét cửa nhanh lên!

- Vângggggg- Tôi lơ mơ nói vọng ra từ trong màn. Tiếng gọi thần thánh của mẹ tôi khéo cuối xóm cũng nghe thấy.

15 phút sau

- Kem! Dậy ngay! Nắng lên đỉnh đầu rồi kìa. Sắp 7 giờ tới nơi rồi.

Tôi lăn một phát từ trên giường xuống đất. Đồng hồ chỉ 6 RƯỠI. Chính xác là 6 giờ 27 phút. 6 giờ 27 phút mà mặt trười lên đến đỉnh đầu rồi á? Quả không hỏ danh là mẹ tôi. Ôi ngày chủ nhật ngủ nướng tuyệt vời của những cô gái trong bộ phim Hàn Quốc là như thế này saoooo?

Khi tôi đang hoàn thành xong thủ tục buổi sáng và lơ mơ ngồi vào bàn học thì cách vài chục mét, Bánh đang ngủ nướng tới 9 rưỡi sáng. Tôi dám lấy toàn bộ số sách của tôi ra thề. Còn tôi thì đang nhìn chằm chằm vào mấy cái gọi là hình học không gian mà càng nhìn càng chỉ tổ thêm buồn ngủ. Buồn cười nhỉ, tự dưng đi vẽ ra mấy cái hình đa chiều rồi tính tính toán toán, còn mấy cái phân tích đa thức thành nhân tử nữa chứ, đang yên đang lành phân tích bung bét ra làm gì.

30 phút sau, tôi ngủ ngục trên bàn học.

29 phút sau, hàng xóm lại được nghe một trận đấu khẩu của mẹ con tôi.

- Học hành như thế này thì nên cơm nên cháo gì. Mày có thích ngủ không, tao cho ngủ cả ngày luôn, rồi mai sau ra đường mà ăn.

- Hôm qua con học muộn nên buồn ngủ thôi. Chẳng nhẽ cả tuần con không được ngủ dậy muộn một buổi sáng à?- Tôi gân cổ lên cãi.

- Mày học bằng con nhà người ta chưa mà suốt ngày chỉ thích ngủ với truyện trò. Có cần tao đem hết số truyện ấy đi đốt không. Mày chỉ suốt ngày hoạt động câu lạc bộ nọ kia. Không có viết báo gì hết. Mẹ lôi đâu ra mấy tờ nháp bản thảo của tôi giơ lên.

- Sao mẹ lại lục đồ của con? Đó là cái riêng tư. Truyện là của các bạn tặng con, có phải con đi mua đâu. Mà truyện đấy là tích góp của nhiều năm chứ có phải con đi mua một lúc về đọc đâu. Nó chẳng ảnh hưởng gì cả. Chẳng nhẽ con không được tham gia một hoạt động nào à, con viết có nhiều đâu.

- Nó có ảnh hưởng đấy. Mày xem tin nhắn báo về kiểm tra toán mày được bao nhiêu điểm. Không có báo chí gì hết.

- Thì thi thoảng cũng phải có những bài điểm kém chứ ạ, làm sao lúc nào cũng tốt được.

- Thế sao người ta vẫn học tốt được đấy. Mày nhìn vùng sâu vùng xa, nhà nghèo người ta đang đỗ thủ khoa kia kìa. Người ta không có truyện trò, không có ti vi, không có câu lạc bộ nào hết. Tập trung học, rõ chưa?

- Sao mẹ cứ so sánh như thế nhỉ, vùng sâu vùng xa kệ người ta- Tôi hét lên.

- Mày thích nói to không. Có cái nhà nào con cái lại hỗn láo với bố mẹ như thế này không?

Tôi chạy lên tầng đóng cửa lại. Phải, tôi nổi tiếng cả khu này vì tội cãi mẹ rồi.

- Chị kệ mẹ đi. Biết tính mẹ rồi mà- Thằng Béo, em trai tôi thò mặt ra từ chăn nói.

Béo là đứa em 8 tuổi cực kì bướng bỉnh nhưng đôi khi xuất quỉ nhập thần thốt ra mấy câu làm tôi há hốc miệng.

- Tập trung đọc truyện đi, biết cái gì!

- Haizz, đời là một bể khổ, mà chị lại không biết bơi.

Tôi quay phắt lại : “ Chị biết bơi, chỉ không biết nổi thôi”.

Sau đó, bố vào phòng tôi nói chuyện. Bố nói tôi phải chăm chỉ học hành, không được cãi mẹ và đủ mọi chuyện khác bằng cách nhẹ nhàng hơn. Tôi ngồi nghe xong rồi chạy sang nhà Bánh.

Đi giữa đường gặp Bánh đang đi về chiều ngược lại.

“Đi uống trà sữa đi.” Nó nói trong khuôn mặt còn nguyên nước mắt. Bánh cũng vừa cãi nhau với mẹ chỉ vì một chậu quần áo quên không phơi.

Vậy là hai đứa đèo nhau tới quán trà sữa chị Hẻm. Quán nhỏ, chuyên bán mấy đồ ăn vặt, nằm sâu trong một con ngõ có giàn hoa giấy luôn nở bung những chùm hoa mỏng tang trắng muốt. Nắng chiều mùa hạ chiếu xuyên qua những tàng cây lấp lánh tạo thành những vệt sáng lung linh.

- Hai đứa lại cãi nhau với mẹ à?- chị chủ quán vốn là người rất tâm lí và rất hiểu nỗi ấm ức của hai đứa tôi.

- Vâng- Chúng tôi đồng thanh đáp.

Chị Hẻm là một người rất “cực kỳ”. Chị độ hai mấy tuổi, ở nhà nuôi mấy đứa em ăn học nên mở quán ăn vặt và nước uống, gần mấy trường học nên làm ăn cũng tươm tất. Chị có một giọng nói dễ nghe và luôn nói mấy chuyện rất thú vị. Hà Nội làm sao có những nơi và có những người như thế này? Nhà chúng tôi ở ngoại thành, và chuyện ngoại thành thì những người thành phố không bao giờ có thể hiểu hết, cũng như những người tha hương cầu thực lên thành phố sinh sống như chúng tôi mãi chẳng thể học được cái vẻ đẹp thanh lịch và giọng nói dễ nghe của người Hà Nội.

Sau khi nghe chúng tôi kể lể, chị lấy thêm một tuối nước dừa ra

- Này hai đứa, uống đi. Cái này chị cho.

Hai đứa chúng tôi đang khát nước, uống luôn không khách sáo. Nghe chị kể, nhà chị gọi là nghèo cũng không sai. Chị đối với mấy đứa em như mẹ vậy. Tiền kiểm ra cũng chẳng nhiều, mà học phí rồi sinh hoạt trong gia đình đâu có rẻ.

- Mai này khi là một người phụ nữ trưởng thành, các em sẽ hiểu việc chi tiêu trong gia đình đau đầu như thế nào. Thế nên chị luôn lo lắng các em chị sẽ đua đòi theo bạn bè, không biết tiết kiệm và rèn luyện bản thân cho tương lai. Mỗi đồng tiền là công sức mồ hôi chứ có phải nhặt được đâu em, nộp một phát hàng trăm nghìn cho nhà trường chị cũng xót lắm chứ. Nhưng việc học là việc quan trọng. Bởi thế nếu mà em chị học kém hay bị phê bình, chị cũng tức giận vì số tiền mình vất vả làm ra không được trân trọng. Mẹ các em cũng vậy. Đó là sự lo lắng xuất phát từ tình yêu thương- chị cứ rủ rỉ, tiếng nói nhẹ như hơi thở nhưng sao thấm thía thế!

Bầu không khí bỗng nhiên là lạ. Tôi và Bánh nhìn nhau.

- Chị ngày xưa mong có người lo lắng, thúc ép không được. Bố mẹ chị mải làm ăn, luôn để cho chị tự chủ trong mọi việc, không bao giờ bắt ép. Nhưng khi nhìn bạn bè cùng trang lứa, chị lại luôn mong có người mắng mỏ mình như hai em.

Tôi và Bánh trố mắt ra nhìn chị. “ Đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời đó chị ơi!” Bánh kêu. Nhưng ánh mắt của nó có gì thật khó tả! Còn tôi thì tự nhiên thấy nghèn nghẹn…

Chị Hẻm cười không đáp. Tôi và Bánh sau đó dắt díu nhau về nhà.

- Tôi cũng biết mẹ tôi lo lắng về chuyện học hành tương lai của tôi quá nên mới như thế. Nhưng mẹ tôi cấm đoán tôi thái quá. Thực ra mẹ có thể tin tôi mà. Tôi nhìn mặt trời thở dài.

- Mẹ nào cũng lo lắng cho con. Mẹ tôi thế nhưng mà vẫn suốt ngày mua đồ ăn đêm cho tôi vì biết tôi hay bị đói, thực ra một tuần tôi cũng không rửa bát mấy, chỉ vài bữa thôi. Mẹ thương tôi nên toàn làm hết.

Hôm sau, mẹ cái Bánh sang nhà tôi. Nghe mẹ nó kể, Bánh tự động dậy sớm nấu cơm rửa bát, làm mẹ nó mừng suýt rớt nước mắt. Công sức bao lâu nay mắng mỏ cũng đạt kết quả. Tôi ở trên tầng nghe loáng thoáng tiếng mẹ tôi nói: “Cái Kem nhà em dạo này tự nhiên chăm học hẳn lên. Em mắng cũng không nói gì.”

Tôi đã nói chị Hẻm là một người “cực kỳ” mà!

 

Moon