Mỗi năm gần đến Trung thu, lồng đèn lại nhuộm rực rỡ khắp những con phố; khu phố nhà tôi lại nổi lên tiếng hò reo, tiếng gõ trống bập bùng của lũ trẻ con hàng xóm. Ngồi học bài, tôi bất giác nhớ về những ngày Trung thu xưa, khi mình còn là đứa trẻ đầu chần chân đất, cứ đến dịp lại cùng đám bạn đi xem múa lân dưới ánh trăng rằm.

Bố mẹ tôi thường bảo: “Trung thu là tết cho thiếu nhi. Con lớn từng này rồi còn tham gia gì nữa”. Cũng đúng thôi, tôi đã lớp 11, chẳng còn là đứa nhóc buộc tóc hai bên, đêm Trung thu xách vội chiếc lồng đèn cá chép tới nhà văn hóa khu ngày nào nữa. Dẫu vậy, kí ức về cái Tết ấy vẫn luôn đọng trong tâm trí tôi.

Còn nhớ lúc nhỏ, bố mẹ tôi đi làm miết. Thời gian rảnh, tôi thường chơi với lũ trẻ bằng tuổi cùng khu phố. Cứ gần tới Trung thu, ai cũng háo hức vì sắp được ăn bánh dẻo, bánh nướng, háo hức vì sắp được khoe đèn lồng. Ngày ấy, đứa nào cũng “sắm” cho mình ít nhất một cái đèn. Trời tối, trăng vừa lên, cả đám đã í ới gọi nhau rồi lũ lượt kéo ra đầu khu để xem múa lân. Đèn ông sao, đèn cá chép dưới đêm trăng sáng khi đó đẹp đẽ đến lạ… Mâm ngũ quả đã được bày biện sẵn, sau phần văn nghệ là múa lân. Khác với ngày nay, múa lân khi đó vỏn vẹn “cái đầu lân”, chẳng có ông Địa hay chị Hằng, chú Cuội, thế mà vẫn khiến chúng tôi nhớ mãi. Tất nhiên, thú vị nhất vẫn là màn phá cỗ. Mỗi đứa trẻ chúng tôi đều nhận một chiếc bánh dẻo, hay được gọi là “Quà lấy may” - như lời bác tổ trưởng dân phố, và còn quá nhiều thứ để kể trong hồi ức kì diệu, trong trẻo ấy. Nhiều lúc tôi chỉ ước mình có cỗ máy thời gian để quay trở lại quãng thời thơ ấu đó.


Chỉ cần một chiếc đèn lồng cũng đủ vui rồi…

Giờ đây, tôi đã lớn hơn, những ngày tháng đó chỉ là quá khứ. Tôi nhận ra mỗi năm người lớn vẫn luôn tạo ra không khí Trung thu cho trẻ con bằng phố lồng đèn, bánh trung thu, lễ hội,… Nhưng một điều chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ như trước. Cái cảm giác háo hức năm xưa đã chẳng còn. Đôi khi tôi tự hỏi vì sao? Phải chăng ngày nay người ta quá coi trọng hình thức mà quên mất ý nghĩa thực sự của nó? Hay vì trăng ngày nay không tròn vành vạnh như ngày xưa, hoặc bây giờ, không chỉ con nít ào ra đường để chơi Trung thu, mà cả người lớn cũng tham gia, nên Trung thu đã mất đi màu sắc vốn dĩ của nó chăng?


Không khí thường đến quá sớm khiến niềm vui dần thu bé lại

Nhiều người nói, cuộc sống thay đổi nhiều rồi. Trẻ em có rất nhiều thứ để chơi, thì Trung thu cũng chỉ là một ngày đặc biệt hơn những ngày khác trong năm mà thôi. Nhưng dù gì, những thế hệ từng được tận hưởng một mùa Trung thu đúng nghĩa của ngày xưa cũng có chút bồi hồi tiếc nuối về những mùa “Trung thu yêu thương” trong quá khứ.


Thời gian trôi đi, ai rồi cũng lớn lên, chỉ có Tết Trung thu là năm nào cũng có. Trung thu nay dẫu đã không có được dư vị như ngày xưa nhưng vẫn phảng phất đâu đó sự thiêng liêng của một giá trị dân tộc không bao giờ biến mất. Và với tôi, Trung thu mãi đáng quý và đẹp đẽ, mai này có trưởng thành, câu hát thân thuộc năm xưa sẽ mãi văng vẳng trong tim “Tết Trung thu em rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường…”


Bài viết: Nguyễn Khánh Hằng (11D2)

Ảnh: Trần Hoàng Thái An (10D4) - Đỗ Nhật Mai (10D2) – Sưu tầm