Công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam sau năm 2015 đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Nhiều nội dung đổi mới  tiếp tục được bàn thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và giáo viên như vấn đề xây dựng  khung chương trình và sác giáo khoa, đặc biệt là quan điểm về một hay nhiều bộ SGK. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu mô hình viết SGK của Mĩ môn “Tìm hiểu xã hội”.


1. Sách giáo khoa môn “Tìm hiểu xã hội ” (Social studies) do nhà xuất bản Harcourt phát hành năm 2009. Đây là nhà xuất bản nổi tiếng ở Mĩ chuyên về xuất bản các loại sách giáo khoa, tài liệu tham khảo dành cho các nhà trường, có địa chỉ tại website: Harcourtschool.com. Cuốn “Tìm hiểu xã hôi ” gồm 324 trang và phụ lục được in màu công phu. Trong hệ thống giáo dục Mĩ có rất nhiều bộ sách giáo khoa và lựa chọn loại sách nào do Hội đồng giáo dục ở bang đó quyết định.  Cuốn “Tìm hiểu xã hôi ” do nhà xuất bản Harcourt ấn hành được giới thiệu là cuốn sách đạt chuẩn chất lượng của bang Bắc Carolina và được nhiều giáo viên lựa chọn là sách giáo khoa để giảng dạy mộn học này ở các trường tiểu học (từ lớp 1 – lớp 5). Nội dung chủ yếu trong cuốn sách này là “Tìm hiểu xã hội” ở các khu vực: Nước Mĩ. Canada, Mexico và vùng Trung Mĩ. Có một điều dễ nhận thấy trong các cuốn sách giáo khoa của Mĩ là hệ thống kênh hình rất phong phú, kết cấu kiến thức logic, chặt chẽ, kết hợp giữa thông tin kiến thức cần cung cấp và hệ thống câu hỏi, bài tập.

2. Cuốn “Tìm hiểu xã hội” được viết thành 7 chủ đề lớn (Unit) và một chủ đề địa lí tổng quát, tùy theo nội dung mà trong mỗi chủ đề lại chia thành các bài học cụ thể (Lesson). Các chủ đề bao gồm:

- Chủ đề tổng hợp: Giới thiệu địa lí (Geography Reveiw)

- Chủ đề 1: Địa lí vùng Bắc Mĩ (North America’s Geography)

- Chủ đề 2: Thủa bình minh của nước Mĩ (The Early United States )

- Chủ đề 3: Cuộc đấu tranh dân quyền (Civil War to Present)

- Chủ đề 4: Chính phủ và Xã hội (Government and Society)

- Chủ đề 5: Vùng đất đa chủng tộc (A Land of many people)

- Chủ đề 6: Kinh tế láng giềng (Economic Neighbors)

- Chủ đề 7: Công nghệ - Con đường tiên phong (Teachology leads  the way)

2.1 Cấu trúc chung

2.1.1 Cấu trúc chủ đề

Các chủ đề trong cuốn sách giáo khoa “Tìm hiểu xã hội” của Mĩ đều được xây dựng theo một cấu trúc chung như sau:

-  Tên chủ đề

-   Mục tiêu cần đạt (Conpetency Goal)

-   Tổng quan ghi nhớ (The big idea)

-  Đọc để Tìm hiểu xã hội (Reading Social Studies) bao gồm những kĩ năng cần hình thành (focus skill): thông qua HỌC (LEARN), THỰC HÀNH (PRACTIC), APPLY (ỨNG DỤNG)

- Các hệ thống bài tập để củng cố phần kĩ năng.

2.1.2 Cấu trúc bài học

- Tên bài học

- Mục tiêu cần đạt

- Nội dung bài học: thông thường các nội dung trong bài học được trinh bày bằng một đoạn văn bản, tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ… Kèm theo mỗi nội dung đó là các bài tập (text work) nhằm mục tiêu kiểm tra nhận thức hoặc thực hành về nội dung đó

- Bài tập tổng kết: cuối mỗi bài học đều xây dựng một hệ thống bài tập (Lesson Review)

2.2 Nội dung

Đây là cuốn sách “Tìm hiểu xã hội” dành cho học sinh cấp Tiểu học nên các nội dung đưa vào là những vấn đề chung nhất, phổ biến nhất về xã hội ở nước Mĩ và các nước vùng Bắc, Trung Mĩ. Quan điểm phổ biến hình thành nên cuốn sách này là giải quyết mối quan hệ giữa không gian (địa lí), thời gian (lịch sử) và con người. Lí giải hầu hết những vấn đề xã hội liên quan đến nhau đó là địa lí, lịch sử, văn hóa, kinh tế, giáo dục, chính trị, chiến tranh, khoa học kĩ thuật.

Trong những nội dung của cuốn sách này điều dễ dàng nhận thấy là khả năng TÍCH HỢP giữa các môn học rất lớn. Đó là sử dụng kiến thức của nhiều môn học như địa lí, lịch sử, giáo dục công dân, kinh tế thậm trí là khoa học công nghệ… để lí giải một vấn đề thực tiễn đặt ra. Đi sâu vào từng nội dung chủ đề và bài học cụ thể thì nhận thấy những kiến thức của môn LỊCH SỬ là chủ đạo, kiến thức các môn còn lại bổ sung hoặc làm phong phú thêm. Tuy nhiên cách đặt vấn đề cũng như hệ thống tranh ảnh, tư liệu, bài tập hết sức linh hoạt nên “ranh giới” giữa các môn học “rất mờ” cho thấy khả năng tích hợp liên môn cao.

Trong cách xây dựng nội dung từng chủ đề cũng như các gợi ý tổ chức hoạt động học tập cho học sinh thấy rất rõ “hình hài” của xu hướng giáo dục nhằm phát huy năng lực của người học, điều đó được thể hiện ngay ở phần mục tiêu chủ đề (Những năng lực cần đạt - Competency Goal). Hệ thống bài tập trong các chủ đề cũng hướng đến hình thành và phát huy các kĩ năng, năng lực của người học như quan sát, so sánh, thực hành môn học, viết luận…đặc biệt là khả năng lí giải, vận dụng vào thực tiễn.

3.Ví dụ cụ thể: Chủ đề 2 Thủa bình minh của nước Mĩ (The Early United States )

* Mục tiêu chủ đề (Compentency Goal): Người học sẽ lí giải được sự phát triển của lịch sử liên bang đồng thời miêu tả những tác động của lịch sử lên đất đai, con người của  quốc gia cũng như các nước láng giềng xung quanh

* Tổng quan ghi nhớ (The big idea)

Các sự kiện lịch sử đã tác động lên đất đai và con người như thế nào?

Hãy cố gắng tưởng tượng về cuộc sống của con người trong quá khứ, suy nghĩ những điều giống như họ. Họ suy nghĩ về những sự kiện khác nhau đã tác động, ảnh hưởn như thế nào đến cảm xúc và niềm tin.

Học tập lịch sử là cách những con người ngày hôm nay hiểu thấu đáo hơn về những thay đổi ở mỗi vùng đất, con người qua biến chuyển của thời gian. Nhìn sâu vào quá khứ để thấy được ảnh hưởng của lịch sử đến đất đai và con người ngày hôm nay.

 Phần bài tập vận dụng

Hãy suy nghĩ về một sự kiện đã xảy ra ở cộng động nơi em ở. Miêu tả sự kiện đó đã tác động làm thay đổi đất đai và cuộc sông của người dân trong cộng đồng như thế nào?

-                      Đó là sự kiện gì?

-                      Sự kiện đó là thay đổi đất đai như thế nào?

-                      Sự kiện đó thay đổi về con người như thế nào?

(học sinh làm bài trực tiếp vào sách)

* Đọc để Tìm hiểu xã hội (Reading Social Studies)

- Kĩ năng cần hình thành (focus skill): thấy được mối liên hệ của NGUYÊN NHÂN - ẢNH HƯỞNG (Cause and Effect). Trong phần này các tác giả SGK đã đưa ra những định nghĩa cũng như biểu hiện của mối quan hệ giữa nguyên nhân và ảnh hưởng trong các sự kiện lịch sử để làm rõ mệnh đề: Sự kiện – Điều gì đã xảy ra. Sau mỗi đoạn văn bản là các bài tập ứng dụng để học sinh thành thục kĩ năng này.

Để tiến hành chủ đề này các tác giả SGK đã xây dựng tới 9 bài học về các nội dung của Lịch sử nước Mĩ từ những thời kì đầu tiên cho tới thế kỉ XIX nhưng trình bày theo vấn đề “cắt ngang” .

Bài học 1: Con người thủa ban đầu (Early People)

Bài học 2: Người da đỏ  (Ameriacan Indians)

Bài học 3: Cuộc thám hiểm (Exploration)

Bài học 4: Những thuộc địa đầu tiên (The first colonies)

Bài học 5: 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ (The thirteen English colonies)

Bài học 6: Hiệp hội các thuộc địa (Colonies Unite)

Bài học 7: Cách mạng Mĩ (American Revolution)

Bài học 8: Thời kì Quốc gia mới thành lập (The Young Nation)

Bài học 9: Từ đại dương tới đại dương (from ocean to ocean)

Các bài học đều được xây dựng tuân thủ theo cấu trúc gồm 3 phần: xác định mục tiêu cần đạt, nội dung kiến thức trọng tậm, bài tập. Trong các bài học này, các vấn đề lịch sử được trình bày hệ thống, cơ bản kèm theo hệ thống tranh ảnh phong phú. Thông thường các các sự kiện lịch sử đều được trình bày dưới dạng văn bản và hướng người học vào những mối liên hệ thực tiễn của bản thân. Ví dụ mở đầu bài học về “Cuộc thám hiểm”, đoạn văn bản viết “Vào khoảng năm 1400, cuốn sách nổi tiếng được nhiều người biết đến là Cuốn hành trình của Maccopolo, nói về một lái buôn người Italia và cuộc hành trình của ông tới châu Á. Những thương nhân người châu Âu đã đến buôn bán, trao đổi với người châu Á từ rất sớm trên những tuyến đường khác nhau. Một vài thương nhân muốn tìm kiếm con đường sang châu Á nhanh hơn bằng đường biển. Vào thời điểm đó người châu Âu không biết rằng còn có những lục địa khác ngoài châu Á, châu Âu và châu Phi. Em có suy nghĩ như thế nào về cuộc thám hiểm của người châu Âu tới Bắc Mĩ khi đọc bài học này .

Trong rất nhiều bài học, các nhân vật lịch sử được giới thiệu chi tiết và phù hợp với nội dung bài học đó có thể là một thủy thủ trong đoàn thám hiểm của C. Clombo, một người lính trong đoàn quân thuộc địa, một người da đỏ bị chiếm đất đai hoặc một danh tướng nổi tiếng như G. Osinhton… Đó là lối viết làm rõ chân dung – lịch sử về con người. Phần nội dung về lịch sử xã hội được các tác giả trình bày phong phú và cụ thể, ví dụ trong chủ đề 2 “Người da đỏ”, tái hiện đời sống của người da đỏ trước khi có các cuộc thám hiểm về đất đai, bản đồ mà nơi có người da đỏ sinh sống ở Bắc Mĩ, các vùng đồng bằng, trồng trọt, chăn nuôi, các nghề thủ công nghiệp….

Hà Nội, tháng 4/2014

Ths Lê Thị Thu