(Bài kiểm tra 90 phút trên lớp)

Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ từ xưa đến nay. Có vô vàn bài thơ, bài hát, hàng ngàn câu chuyện về mùa thu làm say mê lòng người. Mà trong kho tàng ấy, thu Hà Nội luôn mang một nét đẹp đặc trưng, vừa lạ vừa quen, khiến người đi xa luôn nhớ, người ở lại mong chờ.


Thu Hà Nội bắt đầu từ những chuyển biến nhỏ nhặt mà tinh tế. Thời tiết Hà Thành mùa thu không còn oi bức, nắng trưa không còn chói chang, thay vào đó là những đợt gió nhẹ, là trời xanh mây trắng, gió rung tán cây, rung luôn cả lòng người. Thu Hà Nội cũng bắt đầu bằng những mùi hương lan tỏa trong không khí. Nào hương hoa sữa thơm nồng cả dãy phố, nào hương bưởi thanh mát, rồi hương cốm nhẹ nhàng nhưng gợi bao cảm xúc, có nhớ, có thương. Như nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Những xúc cảm mùa thu nơi đất Bắc nhẹ nhàng như thế, phải tinh tế lắm mới nhận ra được. Nhưng trong lòng những con người nơi đây, thu lại chính là mùa đem tới nhiều cảm xúc nhất.

Thu Hà Nội có những nét rất riêng, về cảnh vật, về cả con người. Thu, có khi làm ta tưởng như bước chuyển từ hạ sang đông, mà đông tới thì hết năm rồi, tự nhiên liền vội vã. Hà Nội là đất thủ đô, nhanh thì nhanh thật đấy, nhưng thu về, người ta chậm lại với những ưu tư. Tôi nhớ những năm tôi còn nhỏ, cứ mỗi dịp thu về, người lớn sẽ lại than thở “lại già đi thêm một tuổi” giống như năm mới đến vậy. Và dù trong mắt con trẻ chúng tôi, họ vẫn là những “người lớn” không chút đổi thay, thì những “người lớn” ấy lại sống chậm thêm một chút, không vội vã như mọi khi. Có thể là luyến tiếc quãng thời gian của tuổi trẻ, cũng có thể họ muốn sống mãi với thu, với “bước chuyển mùa” và ngại ngần chưa muốn lật sang trang mới. Tôi không biết nữa… Nhưng từ ấy, mùa thu trong tôi là mùa trưởng thành.


Người Hà Thành cũng thật lạ. Mùa xuân, mùa hạ, mùa đông, mỗi mùa có một nét đặc trưng riêng, nhưng đến mùa thu, những nét đặc trưng ấy họ gộp lại vào một. Mùa thu, có cả ngày nắng, cả ngày lạnh, cả nắng, cả mưa. Mùa hè mà nhắc đến lẩu, người ta lắc đầu ngay. Hè Hà Nội nóng lắm, phải ăn chè, ăn kem. Mùa xuân thì là đồ tết, là mứt kẹo. Còn mùa thu ấy à, sáng bạn có thể đạp xe đi một vòng thưởng thức đủ loại đồ ăn đặc trưng của thành phố, chiều nhâm nhi kem Tràng Tiền, tối ăn lẩu không lo nóng. Khó có thể diễn đạt được cảm giác vừa đi dạo phố vừa nhâm nhi một cây kem Tràng Tiền như thế nào. Với tôi, tôi cảm nhận được thành phố nơi tôi đang sống, tôi cảm nhận được Hà Nội.


Thu Hà Nội với mỗi người mỗi khác, mà cái khác ấy được phân biệt theo lứa tuổi. Đối với lứa trẻ, cứ nhắc “thu” là nhắc đến Tết Trung Thu. Nào bánh kẹo, nào đèn ông sao, đèn cá chép, rồi rước đèn qua bao con ngõ. Sau này lớn rồi, những thứ như vậy không làm chúng tôi hứng thú nữa, thì những đêm trăng rằm năm ấy luôn sống mãi trong kí ức thế hệ chúng tôi. Đối với những thanh niên, những sinh viên đại học, những người còn trẻ, thu đơn giản là dạo phố Nhà Thờ, ăn vài món quà bánh, đón một ngày “Tết” vui vầy cùng gia đình, nhưng chỉ vậy thôi, mà mai sau, khi bước trên những con phố, với ánh đèn của những thủ đô lớn hơn, lại kìm lòng không đậu mà nhớ về kỉ niệm của thu Hà Nội. Còn đối với lứa tuổi trung niên, thu là mùa nhớ, mùa hoài niệm về một thời đã qua. Quả không lạ khi “Thu Hà Nội” trở thành một đại từ mang ý nghĩa biểu tượng, không chỉ là một mùa, mà còn rộng hơn thế.


Mùa thu, mùa khai trường. Mỗi một mùa thu là một bắt đầu cho năm học mới. Có bỡ ngỡ, có xúc động, có nhớ, có cả thật nhiều cố gắng và nhiều hơn nữa là sự trông đợi. Riêng điểm này thì thu nơi đây cũng như bao nơi khác, mà cứ mỗi lần thấy những học sinh đạp xe đến trường trong tà áo trắng, lòng lại mang bao xúc cảm lạ kì, như đã thành một hình ảnh, một quy luật bất biến cho bao thế hệ học sinh. Mùa thu cho ta ngơi nghỉ, nhưng cũng hướng ta về phía trước, hướng về một cái gì đó cao xa hơn.

Thu Hà Nội, với những xúc cảm như thế, đã trở thành đề tài sáng tác quen thuộc cho bao thế hệ nhà thơ, nhà văn, bao bộ phim, bài hát đọng lại trong kí ức. Như bà tôi hay kể về bộ phim “Mùa lá rụng” hay ba tôi vẫn ngâm nga những bài hát về thu Hà Nội trên đường chở tôi lên lớp. Vậy mới nói, những nét nghệ thuật rất riêng cũng là một nét đẹp của mùa thu. Đến thế hệ con cháu chúng tôi, những ấn tượng về mùa thu sẽ không còn như vậy nữa, sẽ có những điều mới mẻ hơn. Thu Hà Nội nay không mất những nét của thu Hà Nội xưa nhưng đã có những cách tân, những thay đổi. Mỗi thời đều có câu chuyện riêng của mình. Còn cái tấp nập của Hà Thành chỉ tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mùa thu, chứ không làm nó phai mờ. Chúng tôi, lớp người Hà Nội mới sẽ làm nên những tác phẩm mới, làm giàu vẻ đẹp của mùa thu. Bởi không chỉ phong cảnh làm nên vẻ đẹp, chính con người cũng là một nét đẹp rất riêng.

Nhưng như vậy, không có nghĩa là những nét đẹp cũ sẽ bị mai một, nhạt phai. Bởi trong con tim mỗi người đã và đang trải qua mùa thu ở bất cứ ngóc ngách nào của thành phố, đã có một mùa thu của riêng mình như một câu chuyện về những ngày đã qua. Bởi, thu Hà Nội, theo một nét nào đó, cũng chính là kỉ niệm.

Tác giả: Khuê Anh - lớp 10D5

Ảnh: Internet