Là một bộ phận của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành có rất nhiều thầy cô giáo là giảng viên của các khoa rất giỏi về chuyên môn, rất am hiểu về chương trình phổ thông đang tham gia giảng dạy. Không những thế đội ngũ giáo viên của nhà trường còn được nhiều nhà giáo, nhiều chuyên gia của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trực tiếp tập huấn, trao đổi về phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên. Đây là một trong những lợi thế mà không phải ngôi trường nào cũng có được. Ngày 23/05/2013 đã diễn ra buổi tập huấn “Dạy học tích cực” tại phòng học đa năng 405 trường Nguyễn Tất Thành với sự tham gia đông đảo của các giáo viên trong nhà trường.


Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc đổi mới phương pháp dạy học trong giáo dục nói chung và trong ngôi trường Nguyễn Tất Thành nói riêng. Mục tiêu của buổi tập huấn là tạo cơ hội cho các thầy cô giáo học tập, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo học sinh.


Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Anh phát biểu khai mạc tập huấn

Buổi tập huấn đã diễn ra vô cùng sôi nổi và thú vị dưới sự dẫn dắt của TS. Nguyễn Văn Hiền đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học đã và đang là xu thế tất yếu. Mỗi học sinh là một cá thể đầy sáng tạo với nhiều năng lực tiềm ẩn. Và nhiệm vụ của giáo viên là khơi dậy những năng lực đó. Theo đó, dạy học tích cực là phương pháp dạy học tập trung chủ yếu vào người học, dạy học căn cứ vào người học, dạy học hướng vào người học…, hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của học sinh.


TS. Nguyễn Văn Hiền

Buổi Tập huấn bắt đầu bằng một loạt các bài tập nhóm thú vị thu hút tất cả mọi người tham dự. Qua đó, TS. Nguyễn Văn Hiền đã giúp mỗi giáo viên tự rút ra và củng cố cho mình những kiến thức về phương pháp dạy học tích cực.

Ngay từ những bài tập đầu tiên, sự nhiệt tình của các thầy cô giáo Nguyễn Tất Thành đã khiến cho TS. Nguyễn Văn Hiền đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.


Tinh thần đầy hào hứng của các thầy cô giáo Nguyễn Tất Thành

TS. Nguyễn Văn Hiền và các giáo viên trường Nguyễn Tất Thành đã có những trao đổi thẳng thắn và cởi mở về mục tiêu, vai trò, những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy.

Trong dạy học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình. Nói một cách khác, dạy học tích cực là tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh, dạy học sinh cách tìm ra chân lí.

Trong nội dung tiếp theo, bài tập TS. Nguyễn Văn Hiền đưa ra cho các giáo viên tham dự Tập huấn khá bất ngờ: làm việc theo nhóm, viết dự án lựa chọn và quảng cáo cho một nhãn hàng mì tôm. Sau khi nhận nhiệm vụ, các nhóm đã tích cực và chủ động lên kế hoạch cho dự án.


Nhóm sôi nổi, nhiệt tình


Nhóm bình tĩnh, chỉn chu


Nhóm say sưa, nghiêm túc


Nhóm áp dụng công nghệ thông tin giỏi

Các nhóm đã lần lượt trình bày dự án của mình một cách đầy thuyết phục và ấn tượng. Với bài tập này, các thầy cô giáo đã được trải nghiệm với một dự án học tập nghiêm túc và vô cùng hào hứng. Các thầy cô cũng sôi nổi, nhiệt tình, cũng buồn vui thua thắng như chính học sinh của mình.

Có thể nói dạy học theo dự án chính là một trong nhiều phương pháp của dạy học tích cực. Qua đó, học sinh sẽ được học và ghi nhớ kiến thức của rất nhiều môn học, rèn cho mình các kĩ năng như phát hiện và giải quyết vấn đề, kĩ năng nghiên cứu, làm việc nhóm, gắn lí thuyết với thực tiễn… Cách làm này khác xa với cách dạy học truyền thống. Bằng những trải nghiệm thực tế trong tiết học, mỗi giáo viên đều thấm thía những ưu điểm của phương pháp dạy học tích cực.

Dạy học tích cực đòi hỏi việc kiểm tra, đánh giá cũng cần phải phù hợp. Sau cùng, TS. Nguyễn Văn Hiền đã đưa ra một số gợi ý về cách kiểm tra và đánh giá năng lực của học sinh khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực để làm sao việc kiểm tra đánh giá trở nên khách quan nhất, công bằng nhất và chính xác nhất.

Kết thúc buổi Tập huấn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Anh đã không giấu nổi niềm tự hào về sự am hiểu phương pháp giảng dạy, sự nhiệt tình học hỏi và sự cở mở, chân thành của đội ngũ giáo viên nhà trường. Cô đề nghị các giáo viên chủ động áp dụng ngay các phương pháp mới vào giảng dạy để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học. Đồng thời cô cũng thay mặt đội ngũ giáo viên và học sinh nhà trường bày tỏ lời cảm ơn trân trọng đối với Ts. Nguyễn Văn Hiền, với sự quan tâm thường xuyên của BGH và các giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với những bước phát triển của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Cô mong muốn những hoạt động hợp tác này sẽ diễn ra thường xuyên và liên tục trong thời gian tới.

Cô giáo Đinh Lưu Hoàng Thái