Một đặc thù cơ bản và nhiệm vụ nổi bật của trường Nguyễn Tất Thành là công tác thực hành sư phạm cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm trước đây, hoạt động này chủ yếu tập trung vào chuyên môn dạy học, hiện nay nội dung thực tập đã được mở rộng, đa dạng hơn rất nhiều. Ngoài việc sinh viên được trực tiếp dự giờ dạy, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp tại trường Nguyễn Tất Thành, các em còn được tham gia các buổi tập huấn, nghe báo cáo hữu dụng xung quanh hành trang bước vào nghề của các giáo viên dày dạn kinh nghiệm.


Đối với mỗi sinh viên kiến tập hay thực tập, nhà trường xác định rõ, không chỉ hướng dẫn chuyên môn để đi dạy mà còn huấn luyện nghiệp vụ giáo dục học sinh cho các em. Đây là một hoạt động tâm huyết và đầy thiện chí của trường Nguyễn Tất Thành mong muốn góp phần đào tạo những giáo viên chất lượng, lành nghề cho tương lai. Tháng 9 vừa qua, tại giảng đường B, liên tiếp diễn ra 9 buổi Tập huấn về công tác chủ nhiệm của cô giáo Lê Thị Loan cho sinh viên K62 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc các khoa Ngữ Văn, Vật Lí, Sư phạm Kĩ thuật , Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Sinh học, GDQP, GD Chính trị, Tâm lí GD…

Được sự tín nhiệm của Ban giám hiệu Nhà trường, cô Loan đã thực hiện các buổi trao đổi với sinh viên thành công. Nội dung báo cáo sâu sắc, phong phú, đặc biệt có tính ứng dụng cao, nhận được phản hồi tích cực của sinh viên các Khoa.

Trao đổi về công tác chủ nhiệm lớp, cô Loan đã đề cập đến các nội dung: Thứ nhất: Vị trị của người giáo viên chủ nhiệm, Thứ 2: Những phẩm chất và năng lực cần có ở người giáo viên chủ nhiệm, Thứ 3: Hướng dẫn các em sinh viên những công việc của người giáo viên chủ nhiệm cần làm: Lập kế hoạch chủ nhiệm; Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp; Quản lí kỉ luật; Quản lí về học tập; Tạo uy tín trước học sinh và phụ huynh. Sinh viên thấm thía nhất là chỗ cô nhấn mạnh vai trò là người mẹ, người bạn, là nhà luật sư, là nhà khoa học của người giáo viên chủ nhiệm. Cô hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách thức quản lí học tập như thế nào để có hiệu quả, những kinh nghiệm để học sinh quý mến và ủng hộ chủ nhiệm rất hay.

Là một cô giáo đã kinh qua thực tiễn gần 20 năm làm công tác giáo dục, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong học sinh, cô Lê Loan có khá nhiều kinh nghiệm và những câu chuyện có thật để trao đổi. Chính điều này đã thuyết phục và hấp dẫn với các em sinh viên.

Với tinh thần chia sẻ, cô Loan gợi nhiều tình huống sư phạm có vấn đề để sinh viên suy ngẫm. Các em được phép chất vấn những chỗ chưa hiểu rõ, nói lên những băn khoăn, lúng túng của mình khi đối mặt với các tình huống đó. Kéo sinh viên nhập cuộc, các em cùng suy nghĩ và bày tỏ hướng giải quyết là cách làm của cô. Sự tương tác đã giúp cho cả hai đối tượng người nói và người nghe thấu hiểu, cởi mở, tạo bầu không khí thân thiện.


Sinh viên lắng nghe nghiêm túc


Sinh viên phát biểu ý kiến


Sinh viên đối thoại với báo cáo viên


Trang bị kiến thức, chuẩn bị tâm thế, hướng dẫn kĩ năng để trở thành một giáo viên chủ nhiệm là những giá trị mà sinh viên thu nhận được từ buổi trao đổi “công tác chủ nhiệm”. Đây cũng là những tiêu chí trong mục tiêu hướng dẫn sinh viên thực tập của trường Nguyễn Tất Thành.

Với rất nhiều thông điệp được truyền tải đến các bạn sinh viên trong bầu không khí cởi mở, thân thiện, cô Loan giúp các em vỡ ra, hình dung được cách làm, cách nói, phản xạ và xử lí tình huống sư phạm hợp lí, hiệu quả.


Các kiến thức về lập kế hoạch chủ nhiệm và xây dựng đội ngũ cán bộ lớp được cô trình bày ngắn gọn, rõ ràng. Đặc biệt, cô hướng dẫn cụ thể các “mẹo” và chiêu” thực thi kế hoạch và tìm được dàn cán bộ lớp đắc lực.

Cô Loan cho rằng mọi việc, mọi cách người giáo viên chủ nhiệm làm đều thể hiện hình ảnh của bản thân người giáo viên đó. Hình ảnh đó không phải được dệt nên bởi thành tích của lớp mà chính là niềm tin của học sinh đối với người giáo viên chủ nhiệm. Uy tín đối với học sinh là điều có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công tác chủ nhiệm lớp của một giáo viên. Vậy, làm thế nào để tạo được uy tín, là chỗ dựa tin cậy của học sinh và phụ huynh đòi hỏi người giáo viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân để xứng đáng là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Nội dung “Quản lí, giáo dục học sinh” là vấn đề cốt lõi, cũng là thử thách lớn nhất của mỗi giáo viên khi làm công tác chủ nhiệm lớp. Bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức mình đã làm, qua học hỏi từ các đồng nghiệp, cô Loan giúp sinh viên nắm được đặc trưng quản lí học sinh và kĩ năng, kĩ xảo để quản lí tốt học sinh. Có thể nói, đây là sự chuẩn bị tâm thế chu đáo cho sinh viên chuẩn bị đi thực tập. Rõ ràng, qua buổi tập huấn này, các em đã có thêm tự tin và chủ động hơn cho những đợt trải nghiệm thực tiễn bước vào nghề giáo trong tương lai.

Bài báo cáo của cô Loan đã khơi dậy ý thức trân trọng và trách nhiệm, thiên chức của người giáo viên chủ nhiệm trong suy nghĩ của sinh viên. Sự định hướng của cô đã giúp các em hình dung và thấu hiểu những đặc thù của công việc mình sẽ và phải làm trong thời gian tới. Ngoài những kiến thức và kĩ năng cơ bản về công tác chủ nhiệm, sinh viên còn nhận được sự khích lệ, động viên và lời khuyên chân thành của cô Loan mà vững tin hơn trước lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Hành trang mà cô Loan mang đến cho các em không hề áp đặt, thuyết giáo mà đó là những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn thành bại của một giáo viên với gần 20 năm làm công tác giáo dục. Vì thế, chắc hẳn mỗi sinh viên, sau buổi tập huấn đều tự rút ra cho mình những bài học quý giá để vận dụng khi đi thực tập và ra làm nghề sau này.

Công tác chủ nhiệm là một công việc đặc biệt, không có cuốn sách nào, không có một người thầy hoàn hảo nào có thể dạy chúng ta tất cả. Song, nếu mỗi người giáo viên luôn có tinh thần học hỏi, biết trăn trở, luôn nỗ lực tìm tòi, rèn luyện từ thực tế, luôn giành cho học sinh những tình yêu thương không điều kiện thì chắc chắn sẽ làm tốt công tác chủ nhiệm lớp và nhận được niềm tin yêu của học sinh và phụ huynh. Đó là thông điệp sâu sắc mà cô giáo Lê Thị Loan muốn gửi đến những chủ nhiệm lớp tương lai.

Kết thúc buổi tập huấn vẫn còn văng vẳng lời dặn dò của cô Loan với các bạn sinh viên: Tất cả mọi điều xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim…

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú