Trở lại chuyện cổ tích “Từ Thức gặp Giáng Hương”: Câu chuyện này có thể lược kể như sau:

Ngày xưa, vào đời Trần, niên hiệu Quang Thái (1388-1398) có chàng thư sinh ở đất Hóa Châu tên Từ Thức, giữ chức huyện Tiên Du, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Cạnh huyện đường có ngôi chùa danh tiếng, trước sân chùa có một gốc mẫu đơn quý lạ. Hàng năm đến kỳ nở hoa, người ta mở hội tưng bừng, trai gái các nơi tấp nập kéo nhau đến dự hội thưởng hoa.

Năm Bính Tỵ, vào khoảng tháng hai, người ta thấy có một cô gái tuyệt sắc trạc lối mười lăm, mười sáu tuổi đến dự hội. Nàng ít tô điểm phấn son song làn da mặt hết sức mịn màng, tươi thắm.

Để ngắm hoa được gần hơn, nàng vin một cành hoa xuống, không ngờ mẫu đơn dòn gãy dưới tay. Người giữ hoa trông thấy liền bắt nàng trói vào gốc cây. Đến xế chiều cũng không thấy có ai đến chuộc cứu nàng. Từ Thức nhân đi qua, nghe câu chuyện, động lòng thương người đẹp, bèn cởi áo cừu đang mặc đưa cho nhà chùa để bồi thường. Cô gái được thả ra ngập ngừng cảm ơn Từ Thức rồi đi về một phía mất hút.

Từ đó Từ Thức càng được dân tình mến trọng là một vị quan hiền đức. Nhưng Từ Thức vốn thích bầu rượu, túi thơ, cây đàn hơn là chồng giấy tờ ở công đường, mải mê theo cảnh đẹp trời mây mà bỏ bê cả việc quan.

Rồi chàng trả ấn từ quan, lui về vùng núi non ở huyện Tống Sơn. Mang theo bầu rượu, cây đàn, chàng đi du ngoạn khắp mọi chốn danh lam thắng cảnh. Gặp nơi đẹp đẽ chàng dừng chân uống rượu, làm thơ. Vết chân, câu thơ của chàng ghi dấu ở nhiều nơi, núi Chích Trợ, động Lục Vân, nguồn sông Lễ, bờ Kênh Nga.

Một hôm, chàng tới cửa Thần Phù, trông ra ngoài biển thấy một lớp mây năm sắc kết thành đóa hoa sen. Chàng ngồi thuyền đến nơi, gặp nhiều núi non kỳ dị. Từ Thức lo ngại bảo người chèo thuyền: "Ta đã đi khắp miền đông nam, biết rõ cả vùng này, nhưng chưa bao giờ nghe nói đến những núi non kỳ tú kia. Có lẽ đây là non Tiên đưa đến, hay núi Thần dời lại, không thì làm sao ta chẳng hề thấy bao giờ"?

Rồi sai buộc thuyền, lên bờ. Đi được vài bước thấy sừng sững trước mặt một sườn đá cao nghìn trượng, Từ Thức thở ra: "Không có cánh làm sao mà vượt qua được"? Rồi chàng lấy bút viết lên thành đá một bài thơ.

Đang lúc mải mê ngắm cảnh, chàng bỗng thấy sườn đá mở ra một cửa hang động rộng chừng một trượng. Chàng vén áo lần vào. Vừa đi được vài bước thì cửa hang tự khép lại, chàng chìm trong bóng tối không còn biết đâu lối ra. Chàng liều chết sờ theo lớp rêu trên đá mà đi, theo một lối quanh co, được một quãng thì đường hầm dần dần mở rộng. Ra khỏi bóng tối, mắt chàng chói ngợp vì ánh sáng rực rỡ, sửng sốt vì mây muôn màu sắc bao phủ các đền đài giát bằng châu ngọc giữa cảnh vườn đầy hoa quý lạ, hương thơm khác thường.

Đây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu động Phù Lai. Nơi này biển bao bọc chung quanh, lơ lửng không chạm đất, cũng như núi La Phù theo chiều gió mưa mà tan hợp, như núi Bồng Lai mọc trên ngọn sóng. Ở đây, chàng gặp lại người con gái mà chàng cứu ở hội hoa năm nào. Và ở đó, Từ Thức và Giáng Hương đã nên vợ nên chồng, họ đã sống những tháng ngày hạnh phúc nơi đây.

Một sáng, Từ Thức thấy hoa sen nở, hồ ngọc đã thay đổi màu xanh, thấm thoát thế mà đã qua một năm rồi.

Một hôm, trông ra xa thấy một con thuyền, chàng trỏ tay bảo Giáng Hương: "Anh từ miền xa xôi kia tới đây, chân trời mờ mịt, sóng biển muôn trùng, không biết rõ nhà anh ở nơi nào!" Một lát chàng lại nói: "Khi đi, anh còn có mẹ, bạn bè ở dưới kia. Lòng trần chưa rũ sạch, anh muốn nhìn lại quê hương. Em hãy hiểu cho lòng anh, để cho anh trở về thăm nhà ít lâu. Không biết em nghĩ sao?"

Giáng Hương buồn bã không thốt nên lời. Từ Thức nói tiếp: "Để cho anh đi dăm hôm, một tháng gặp lại các bạn, xếp đặt công việc nhà, rồi anh sẽ trở lại sống bên em mãi mãi cho đến già ở chốn Bạch Vân".

Giáng Hương khóc nói: "Em không muốn lấy tình vợ chồng để ngăn anh đừng trở lại quê nhà. Em chỉ sợ rằng đời sống thế gian quá nhỏ hẹp, ánh sáng mặt trời quá vắn vỏi, anh sẽ không còn tìm thấy sân vườn xưa trong cảnh cũ nữa đâu!"

Rồi hai người gạt nước mắt chia tay. Trong nháy mắt Từ Thức đã đặt chân xuống mặt đất.

Nhưng tất cả đều đã hoàn toàn đổi thay. Nhà cửa, người làng không còn là những người quen cũ nữa. Chỉ có các tảng đá bên bờ suối vẫn phủ rêu xanh như xưa.

Hỏi đến những người già cả trong làng xem có biết người tên Từ Thức không, mọi người đều nói: "Hồi chúng tôi còn bé, có nghe nói là ông cố ba đời chúng tôi mang tên đó. Ông ấy đi lạc vào núi đã tám chục năm nay. Từ đó đến nay chúng tôi đã trải qua ba đời vua".

Từ Thức cảm thấy lòng buồn thấm thía, muốn trở lại thượng giới, song chiếc xe mây đã biến thành chim loan bay mất về trời. Chàng mở phong thư ra đọc: "Trong mây kết duyên loan phụng, mối tình đôi ta đã dứt! Làm sao tìm lại non Tiên trên biển cả? Chúng ta khó gặp được nhau lần nữa", mới biết là Giáng Hương đã gởi chàng những lời vĩnh biệt. Sau đó, Từ Thức khoác áo lông, đội nón nhẹ, một mình đi vào núi Hoành Sơn, không thấy trở về nữa.

Phải chăng Giáng Hương đã hiểu về “Thuyết tương đối hẹp” của Einstein?

Khi Từ Thức muốn về thăm quê, Giáng Hương đã khóc lóc mà nói rằng: "Em không muốn lấy tình vợ chồng để ngăn anh đừng trở lại quê nhà. Em chỉ sợ rằng đời sống thế gian quá nhỏ hẹp, ánh sáng mặt trời quá vắn vỏi, anh sẽ không còn tìm thấy sân vườn xưa trong cảnh cũ nữa đâu!"

Chứng tỏ nàng đã biết có sự khác biệt giữa không gian và thời gian giữa trần gian và cõi tiên.

Giải thích chuyện lạ của Từ Thức khi về thăm quê cũ bằng “Thuyết tương đối hẹp” của Einstein trong chương trình Vật lí 12 – Sách nâng cao:

Một sáng, Từ Thức thấy hoa sen nở, hồ ngọc đã thay đổi màu xanh, thấm thoát thế mà đã qua một năm rồi.(*)

Khi Từ Thức về thăm quê thì tất cả đều đã hoàn toàn đổi thay: Nhà cửa,con người đều khác. Chỉ có các tảng đá bên bờ suối vẫn phủ rêu xanh như xưa.

Hỏi đến những người già cả trong làng xem có biết người tên Từ Thức không, mọi người đều nói: "Hồi chúng tôi còn bé, có nghe nói là ông cố ba đời chúng tôi mang tên đó. Ông ấy đi lạc vào núi đã tám chục năm nay. Từ đó đến nay chúng tôi đã trải qua ba đời vua". (**)

Chuyện này tưởng chừng khó hiểu với Từ Thức nhưng thật đơn giản và dễ hiểu với Giáng Hương và những ai đã được học thuyết tương đối hẹp của Einstein trong chương trình Vật lí 12 – Sách nâng cao.

Thuyết tương đối hẹp có một hệ quả là: Đồng hồ gắn với hệ quy chiếu quán tính chuyển động với vận tốc v thì thời gian sẽ chậm hơn đồng hồ gắn với hệ quy chiếu đứng yên (gắn với Trái Đất). Cụ thể là:

Một sự kiện diễn ra trong hệ quy chiếu K’ chuyển động với vận tốc v mất một khoảng thời gian là Dt0. Đồng thời sự kiện đó xét trong hệ quy chiếu đứng yên K thì hết một khoảng thời gian Dt. Chúng có quan hệ với nhau là:

Ở đây, hệ quy chiếu chuyển động K chính là “cõi tiên”; còn hệ quy chiếu đứng yên K chính là Trái Đất.

Giả sử “Cõi tiên” chuyển động với vận tốc gần với vận tốc ánh sáng: chẳng hạn v=0,99992187cvà từ (**) ta có: Dt = 80 năm. Thay Dt vào (***) ta được:

Như thế là đúng với trường hợp của Từ Thức: Chàng mới sống trên cõi tiên có hơn một năm mà về trần gian đã 80 năm trôi qua rồi.

 Phải chăng Giáng Hương đã được học Vật lí 12 do thầy giáo Vật lí ở Trường Nguyễn Tất Thành dạy???!!!

Sưu tầm và biên soạn: thày giáo Phạm Quốc Toản