Tôi không khỏi xúc động và ngạc nhiên khi bước vào căn phòng 107 chiều tối ngày 24/1/2014. Đó vốn là phòng Hội đồng - phòng Truyền thống của nhà trường, nhưng hôm nay nó trở thành một sân khấu ấm áp, đẹp lung linh để biểu diễn ghi ta, ra mắt Câu lạc bộ Ghi ta của thầy trò Nguyễn Tất Thành. Lần đầu tiên “trình làng” không nhạc trưởng, không MC chuyên nghiệp, chỉ thuần túy là những người chơi đàn, nhưng Câu lạc bộ Ghi ta của thầy Hào đã tạo ra một không gian thấm đẫm phong vị nghệ thuật.

Cái phong vị nghệ thuật mà tôi muốn nói ở đây là niềm hứng thú, đam mê của thầy trò tỏa ra khắp không gian hôm đó. Các em đã chơi đàn bằng cả tâm hồn bỡ ngỡ, có phần vụng dại nhưng vô cùng trong trẻo và say sưa. Từ cách thầy giới thiệu về trò đến cử chỉ chào khán giả của trò cứ gợi dậy trong lòng người thưởng thức hôm đó một ấn tượng đáng yêu, xúc động khó diễn tả thành lời. Trong bộ trang phục quần tây dây đeo màu đen áo trắng được là phẳng lì cùng chiếc nơ đeo ở cổ, cả một dàn hòa tấu 13 em đều tăm tắp. Lần đầu tiên hình ảnh học sinh Nguyễn Tất Thành xuất hiện lịch lãm và sang trọng đến như vậy.

Thật khó tin sau ba tháng hoạt động và học tập, từ những học sinh chưa hề “sờ” đến cây đàn ghi ta bao giờ lại có thể chơi đàn tự tin đến thế. Điều đáng nói là từ khi xuất hiện ý tưởng ra mắt, báo cáo sản phẩm của Câu lạc bộ Ghi ta với nhà trường, với bố mẹ đến buổi biểu diễn chỉ vỏn vẹn hai tuần lễ, chừng ấy thời gian mà có được một chương trình thú vị như thế quả là đáng nể.

Từ cách bài trí sân khấu, đến âm thanh và ánh sáng đều cho thấy sự chu đáo, con mắt nhìn nghệ thuật và sự nhiệt tình của các thành viên câu lạc bộ mà đầu tàu là thầy giáo Lê Văn Hào. Một chương trình ngắn gọn song lay gọi, để lại khoảng lắng, dư ba trong tâm hồn người thưởng thức. Cách tổ chức buổi ra mắt vừa mang tính nghiêm túc, tôn trọng người chơi, người nghe vừa có cái chất lãng tử, ngẫu hứng rất dễ thương.

Đánh giá ở phương diện chuyên môn kĩ thuật tôi không dám bình luận gì nhiều, công bằng mà nói ta vẫn thấy các “nhạc công” hôm đó còn va vấp vài nốt. Ai cũng nhận ra vẻ lúng túng, nét thơ ngây còn vương trên các bản nhạc, ở cách các em chơi đàn. Nhưng tất cả những người ngồi xem buổi ra mắt Câu lạc bộ Ghi ta chiều tối hôm đó đều xúc động. Tôi muốn thổ lộ cảm xúc của mình với tư cách là một khán giả ngồi ở dưới sân khấu – cả khán phòng yên tĩnh, mọi người chăm chú hướng về người chơi, kết thúc mỗi tiết mục lại vang lên những tràng vỗ tay và tôi nhận thấy trên gương mặt của các bậc phụ huynh có con đang biểu diễn là niềm tự hào, rưng rưng, đối với những học sinh ngồi nghe phía dưới đó là ánh mắt thán phục và ước muốn mình cũng có thể làm được như vậy. Còn chúng tôi- những giáo viên- không khỏi ngỡ ngàng, hạnh phúc…


Dàn hòa tấu tuyệt đẹp đến từ Câu lạc bộ Ghi ta trường Nguyễn Tất Thành


Nguyễn Huy Linh chơi bản “Scarbough fair”


Hình ảnh đậm chất nghệ sĩ của Dương với bản “Canon in D”


Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh bày tỏ cảm xúc khi kết thúc buổi ra mắt Câu lạc bộ Ghi ta

Có 8 bản nhạc được chơi với nhiều thể loại và phong cách khác nhau từ hòa tấu đến độc tấu, hát đệm. Mở đầu là bản hòa tấu hoành tráng với giai điệu sôi trào mãnh liệt do thầy Lê Văn Hào cùng 13 em học sinh lớp 10 và 11 trường Nguyễn Tất Thành biểu diễn. Đội hòa tấu chơi rất đều và mượt. Mỗi em là một tiếng đàn khác nhau. Bản độc tấu Wings you are hero được Thắng chơi nghe khá phiêu và đọng. Với giai điệu sâu lắng, nhẹ nhàng, trong trẻo của bản Scarbough fair tiếng đàn chắc chắn, vang và chính xác kĩ thuật của Linh đã chinh phục được trái tim của người nghe. Tôi đặc biệt sững sờ và bị cuốn vào cách chơi đàn của Dương thật mượt, dẻo với thể loại fidosize qua bản “Canon in d” đầy sôi động, đam mê. Hình ảnh điệu nghệ của em gợi vẻ đẹp của những nghệ sĩ ghi ta chuyên nghiệp. Bạn Hà Trang đến từ trường Xuân Đỉnh có một tiếng đàn ngọt ngào với giai điệu du dương, tươi tắn của bài Because Im stupid vừa đàn vừa hát. Từ làn điệu dân ca đặc trưng của Tây Ban Nha- đất nước quê hương của chiếc ghi ta, Nghĩa đã chơi một một bản nhạc chậm và khá mênh mang, đưa đến sự thư thái, dễ chịu cho người thưởng thức. Bản nhạc khiến tôi xao động, trầm tư chính là bản Sống thử, Phước đã chơi rất hay. Một cảm giác buông lơi cứ thế cứ thế tràn vào hồn ta chới với. Kết thúc là một đoản khúc rộn ràng, tươi đẹp thay lời cảm ơn của thầy Hào đến khán giả thật ấn tượng. Quả thật, ở mỗi bài các em chơi đâu đó còn đôi nốt vướng vấp, chưa chuẩn về kĩ thuật nhưng nhìn chung về bố cục nghe khá ổn vì phần mở và kết bản nhạc rất các em làm rất tốt. Bên cạnh các em học sinh của trường Nguyễn Tất Thành, ở buổi ra mắt đầu tiên này có một số bạn từ trường khác đến cùng giao lưu. Các em đều mới làm quen với cây đàn ghi ta, yêu cây đàn ghi ta và được thầy Lê Văn Hào dìu dắt, truyền cảm hứng. Phải chăng qua đây, thầy muốn gửi đến các thành viên Câu lạc bộ Ghi ta trường Nguyễn Tất Thành thông điệp về niềm tin, về khả năng chơi đàn nếu các em thực sự đam mê?

Buổi ra mắt Câu lạc bộ Ghi ta cho thấy ngọn lửa đam mê nghệ thuật bắt đầu cháy trong các em học sinh Nguyễn Tất Thành. Chính niềm đam mê của các thầy trong tổ Nghệ thuật, nhất là thầy Hào đã thắp lên ngọn lửa ấy. 60 phút ngồi nghe trôi qua thật nhanh nhưng cũng đủ cho chúng tôi cảm nhận cái được cách thầy truyền cảm hứng và triết lí dạy học của thầy – dạy lắng nghe và học đàn bằng trí nhớ âm nhạc. Đó là lí do vì sao chỉ chuẩn bị trong 2 tuần lễ mà thầy trò của Câu lạc bộ Ghi ta có một buổi ra mất ấn tượng đến thế. Từ khâu chọn bài đến việc luyện tập các em đều tự mình tìm kiếm và chinh phục xuất phát từ niềm hứng khởi yêu cây đàn và khao khát gảy đàn mà thầy Lê Văn Hào đã truyền cho các em học sinh trong câu lạc bộ. Dĩ nhiên tất cả mới chỉ là bắt đầu – nhưng với tuổi trẻ dạt dào, tâm hồn nhân hậu, đặc biệt niềm say mê với cây đàn ghi ta, thầy sẽ khơi dậy tình yêu nghệ thuật, gõ cửa trái tim các em học sinh để ở ngôi trường Nguyễn Tất Thành luôn vang lên những giai điệu âm nhạc.

Buổi ra mắt của Câu lạc bộ Ghi ta cũng đánh dấu một bước đi mới và định hướng đào tạo con người trong tương lai đúng đắn của nhà trường Nguyễn Tất Thành. Nó là minh chứng khẳng định và củng cố niềm tin vững chắc của Ban Giám hiệu nhà trường trong việc xây dựng hình ảnh học sinh Nguyễn Tất Thành không chỉ học giỏi về văn hóa mà còn am hiểu nghệ thuật. Chương trình thực sự tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng học sinh, giáo viên, nhất là phụ huynh. Chúng tôi tin tưởng sau buổi ra mắt này, Câu lạc bộ Ghi ta nói riêng và các Câu lạc bộ Nghệ thuật khác trong nhà trường sẽ có một lộ trình phát triển phù hợp và tích cực hơn nữa để thực thi chiến lược giáo dục phát triển học sinh toàn diện của nhà trường hiệu quả.

 Trong buổi ra mắt đó, tôi gặp lại em Lại Minh Đức cựu học sinh lớp 12A8 – hiện em là trợ giảng cho thầy Lê Văn Hào ở các lớp ghi ta. Em nói với tôi rằng “Được trở về trường cũ và góp một phần công sức nhỏ bé giúp các em khóa sau chơi đàn và yêu thích cây đàn ghi ta là niềm hạnh phúc đối với em. Đây là nhân duyên đặc biệt của em mà không phải học sinh nào tốt nghiệp ra trường rồi cũng có được. Những gì bọn em đã nhận được từ gan ruột của thầy cô ở đây, bây giờ em muốn trao lại cho các thế hệ học sinh kế tiếp”. Còn gì xúc động và thân thương hơn nữa khi nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành lớn khôn như vậy. Có một quy luật mãi mãi đúng: cho đi là nhận lại. Ngày hôm qua thầy cô trường Nguyễn Tất Thành đã cho đi bằng việc thắp sáng ước mơ cho học sinh, ngày hôm nay các em trở về gieo những giấc mơ đó vào thế hệ học sinh mới của nhà trường. Quả là cho đi để được nhận lại, ấm áp và tuyệt vời làm sao.

Câu lạc bộ Ghi ta là nơi thăng hoa, hội ngộ của những học sinh cùng cháy một niềm đam mê ghi ta. Hiện nay câu lạc bộ này mới có hơn 250 em tham gia, chiếm tỉ lệ 10% học sinh toàn trường. Biết rằng, học âm nhạc nói chung và ghi ta nói riêng vốn không dễ, hơn nữa nó đòi hỏi nhiều tố chất, vì thế trong thời gian đầu thành lập, Câu lạc bộ Ghi ta còn gặp khó khăn. Song với niềm đam mê cây đàn, cùng tình yêu học sinh, đặc biệt có được sự quan tâm và đầu tư đúng hướng của Ban Giám hiệu nhà trường, hi vọng thầy Hào và các thầy cô trong tổ Nghệ thuật sẽ có cách phát triển Câu lạc bộ Ghi ta lớn mạnh.

Tôi muốn kết thúc bài viết này với lời chia sẻ của một phụ huynh có con tham gia biểu diễn trong dàn hòa tấu “Hôm nay nhìn con trai đẹp đến lạ, lòng thấy vui. Từ ngày tham gia Câu lạc bộ Ghi ta ở trường, cháu thay đổi nhiều, bất kì lúc nào cháu cũng có thể ôm cây đàn, không còn ham chơi điện tử như trước”. Lời bộc bạch giản đơn như vậy thôi nhưng chứa đựng bao cảm xúc của người làm mẹ. Tạm biệt chị, tôi vẫn nhớ nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt chị. Xin được gọi tên đó là nụ cười hạnh phúc, vì tôi biết chính cây ghi ta đã kéo con chị ra khỏi cám dỗ của trò chơi điện tử. Các em biết đấy, cuộc sống ở ngoài kia nhiều lắm những cạm bẫy, nhưng có một thứ có thể giải tỏa những áp lực, đem đến những cảm xúc tích cực, gương mặt thật đẹp cho các em chính là âm nhạc, trong đó là Tây Ban cầm. Vấn đề là các em có lựa chọn nó không? Mái trường Nguyễn Tất Thành các em học, đang cho các em một cơ hội tuyệt vời, một môi trường trong lành để đến với cây ghi ta, lẽ nào các em để tuột mất và lãng phí dịp may đó?

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú