Phòng Truyền thống trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành là công trình đặc biệt, được hoàn thành trong dịp Kỉ niệm 15 năm thành lập trường. Có tiền thân từ phòng Hội đồng, được tu sửa và thiết kế lại, nó là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, là niềm tự hào của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành.

Tiết kiệm tối đa về tài chính nhưng phải đảm bảo giá trị sử dụng tối ưu, phải rộng thoáng về không gian và phải hợp lí trong trang trí, trưng bày – đó là tiêu chí khi nhà trường quyết định tu sửa lại phòng Hội đồng thành phòng Truyền thống.

Với hai chức năng vừa là phòng Hội đồng vừa là phòng Truyền thống, điều này đã tạo nên đặc điểm “mở” khác biệt của phòng Truyền thống trường Nguyễn Tất Thành. Tính linh hoạt và chủ động của phòng Truyền thống nằm ở chỗ nó được mở cửa hàng ngày và liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh mới. Nội dung không đóng khung khô cứng, căn phòng không im lìm sau cánh cửa, phòng Truyền thống mang hơi thở, nhịp sống hoạt động hàng ngày của thầy trò trường Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh sự tươi mới, nóng hổi của tin tức, sự kiện và những gương mặt học sinh tiêu biểu hôm nay là sự trang nghiêm, lắng đọng của những thành tích vẻ vang trong quá trình phát triển nhà trường. Có thể nói, phòng Truyền thống với những hình ảnh đáng quý, đã ghi lại những dấu mốc, làm sống dậy quá trình hoạt động đầy sôi nổi và ý nghĩa của học sinh, giáo viên và nhà trường Nguyễn Tất Thành.



Hơn 120m2 diện tích, được chia làm 8 ô với các tiêu đề: Bác Hồ với ngành giáo dục; Quá trình phát triển; Hoạt động dạy và học; Gương mặt tiêu biểu; Hợp tác quốc tế, Tủ lưu niệm, Bảng thông báo và hộp sổ đầu bài, sổ báo giảng. Tất cả được trang trí cân đối hài hòa từ hình khối đến màu sắc, ánh sáng.








Vào phòng truyền thống của trường Nguyễn Tất Thành, đứng ở ô tư liệu Bác Hồ với ngành giáo dục, chúng tôi không khỏi xúc động trước những lời căn dặn của Bác trong Thư gửi các em học sinh nhân ngày tựu trường đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, ngày 1/10/1945 và trích thư chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 1968 – 1969, ngày 15/10/1968. 9 bức ảnh đen trắng ghi lại những sự kiện, những nơi Bác đến thăm cho thấy chân dung một thầy giáo Nguyễn Tất Thành: sáng ngời nhân cách, ân cần và mẫu mực với học sinh, tâm huyết với giáo dục. Tên trường cũng chính là tên của vị lãnh tụ vĩ đại trong những tháng ngày đứng trên bục giảng. Vì vậy, ô truyền thống này không chỉ thể hiện sự biết ơn, trân trọng của thầy trò nhà trường đối với Bác Hồ kính yêu, mà còn là nét đẹp đặc trưng của ngôi trường mang tên Bác. Đặc biệt, nó có giá trị giáo dục tinh thần, tư tưởng, nhân cách Hồ Chí Minh cho toàn thể giáo viên cùng học sinh Nguyễn Tất Thành học theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại.


Trang trọng nhưng không hề phô trương, hình ảnh phong phú mà đặc sắc tiêu biểu, toàn diện và sâu sắc về nội dung, sáng tạo trong cách bài trí là ấn tượng về phong cách của phòng Truyền thống trường Nguyễn Tất Thành.

Trong hành trang đi tới tương lai của mỗi thầy trò Nguyễn Tất Thành, chúng ta không được phép lãng quên lịch sử và không thể đánh mất truyền thống. Bởi đó là kỉ vật quý của tâm hồn mà bao thế hệ thầy trò dày công vun đắp và cả chính chúng ta hôm nay đã, đang chắt chiu làm nên. Phòng Truyền thống - một căn phòng biết nói, là nơi giao hòa, kết nối quá khứ và hiện tại của mái trường mang tên Bác. Vì thế nó có ý nghĩa giáo dục to lớn, vừa khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, về những gì mình đã làm được trong chính mỗi giáo viên, học sinh, vừa đánh thức trách nhiệm phải tô thắm thêm trang sử vẻ vang của nhà trường.

Dường như mỗi lần bước chân vào căn phòng Truyền thống của trường, trong mỗi chúng ta đều thầm biết ơn và có thêm động lực vươn lên góp sức xây dựng nhà trường to đẹp và chất lượng hơn.

 

Cô giáo Lê Thị Cẩm Tú