Có ai đã từng ví: ngôi trường là mái nhà thứ hai và thầy cô chính là những bậc sinh thành thứ hai. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ngẫm nghĩ về sự trưởng thành của bản thân mình ngày hôm nay, tôi không thể không nhớ tới một “người mẹ” - người đã gieo vào tôi niềm hứng thú với bộ môn Vật Lý và những bài học về giá trị sống sâu sắc – cô Lan Anh giáo viên chủ nhiệm. Cô luôn gây ấn tượng trong tôi bởi chiếc áo hồng đặc trưng, trông xa như một đoá sen khép nụ. Và cũng như một bông hoa sen, cô hiền dịu mà vẫn mang một nét gì duyên lạ, cá tính lạ, khiến mọi học học sinh bị thu hút. Không phải chỉ tôi mới cảm thấy thế đâu, dám chắc rằng 14 năm đứng trên bục giảng của cô đều được nhận những tình cảm tốt đẹp như thế từ học trò.

Sự gần gũi, thân mật của cô biểu hiện qua cả từng lời ăn tiếng nói. Dù đã có tuổi, cô vẫn thích trò chuyện với học sinh là “tớ - mình”. Xưng hô “lạ lùng” thế bởi với cô, học trò không chỉ là những đứa con còn thơ cần dạy bảo mà còn là những trái tim đang lớn cần có người bạn để chia sẻ, và cô đã trở thành một “người bạn” như thế. Dù đó chỉ là một điều rất nhỏ về cách ăn nói thôi nhưng lại là cầu nối tâm hồn nhanh chóng nhất giữa cô và trò. Vẫn có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” - sự ôn hoà trong cách cư xử và giao tiếp của cô đã cảm hóa bao lớp học trò “Nhất quỷ nhì ma”. Lớp tôi không phải là lớp quá nghịch hay ý thức kém, nhưng vẫn không tránh khỏi một đôi lần bị các thầy cô bộ môn than phiền về học tập và kỉ luật. Mỗi lần như thế, chúng tôi hơi lo sợ rằng sẽ cô bị cô mắng. Nhưng trái lại với những suy nghĩ đó, cô không bao giờ gây sức ép, cô không chỉ biết nghe lời khiển trách mà luôn thấu hiểu, đồng cảm với những gì học sinh phải đối diện. Cô luôn lấy tình thương để giải quyết vấn đề. Lắm khi chúng tôi cũng ngạc nhiên bởi chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không thấy cô quát mắng bao giờ. Cô tâm sự: “Quan điểm giáo dục của mỗi người là khác nhau nên luôn phải có sự hài hoà. Các thầy cô không sai khi khiển trách các em, có thể vì đang bức xúc, áp lực công việc và tinh thần nên thầy cô có quá lời và nổi nóng, vì vậy cô không bao giờ bênh học sinh mà chỉ cố gắng xoa dịu vấn đề. Các em cũng không nhất thiết phải chịu nhận những “hình phạt” vì tội lỗi mình gây ra, cô chỉ muốn các em phải hiểu được lỗi sai của mình để không bao giờ tái phạm”. Cô chủ nhiệm của tôi là thế đấy – luôn có sự đồng cảm. Cô quan điểm rằng để có một tập thể tốt thì phải có sự hợp tác giữa cả thầy và trò, không nên thái quá về những “tội lỗi” của học sinh.


Sự nỗ lực của giáo viên, theo như cô nói, sẽ được mỗi học trò nhìn nhận khác nhau “Mình là một người lái đò, trách nhiệm của mình là hoàn thành chuyến đò chứ người đi đò ai coi trọng, ai làm ngơ, đâu có thể biết, có thể ngăn được. Cái nghiệp giáo viên này cũng vậy, mình cũng hết sức tâm huyết với học trò, có những đứa ra trường mãi vẫn nhớ tới mình, nhưng cũng có thể có đứa trên đường gặp chẳng còn biết mình là ai”. Tuy nhiên, những gì tôi nhận thấy là sự tâm huyết của cô không hề phí hoài. Những buổi sinh hoạt lớp tôi chưa bao giờ cười sảng khoái hơn thế, và cũng chưa bao giờ học sinh lại có “tình bạn” gắn kết, ngang bằng một cách thoải mái với giáo viên đến vậy. Bản thân tôi cũng có những suy nghĩ, tình cảm đặc biệt riêng với cô. Tôi là cô gái nhỏ mang trong mình nhiều hoài bão ước mơ lớn. Có những vấn đề khó khăn không thể chia sẻ với bố mẹ làm tôi như hẫng hụt. Vượt qua cái ranh giới vô hình giữa một người quản lý và một người bị quản lý, tôi đến với cô, trải lòng về bao ước vọng đang ấp ủ. Cô lắng nghe, thấu hiểu những gì tôi chia sẻ, tuy sự giúp đỡ của cô không lớn nhưng cô chính là người chắp cánh ước mơ cho tôi. Tôi thật lòng cảm thấy may mắn khi được theo học một cô giáo tuyệt vời như vậy.

Không chỉ riêng tôi thấy mình may mắn như thế. Một buổi học về muộn, sự gặp gỡ tình cờ giữa tôi và một học sinh cũ của Nguyễn Tất Thành đã để lại trong tôi nhiều xúc động. Chị là Thuỳ Linh, trước học 12A8 cũng do cô Lan Anh chủ nhiệm, đã ra trường được 7 năm. Hôm nói chuyện, chị hóm hỉnh kể: “Chị là học sinh cá biệt trong lớp đấy. Quậy phá nhiều, đã từng “bùng tiết” đi chơi, luôn tỏ thái độ “chống đối” với giáo viên chủ nhiệm mà không hiểu sao cô vẫn kiên nhẫn chịu chị được. Nghịch ngợm thế thôi, khi học đại học, nghĩ về cô mới thấy ân hận về những hành động của mình. Chị đã gửi cô một bức thư xin lỗi, nhờ đứa bạn chứ cũng chẳng dám đưa trực tiếp (cười). Chị cũng cảm ơn cô nhiều vì ngày xưa xếp mình ngồi cạnh bạn Trang Trệ học giỏi quá nên mới có quyết tâm học tập và trưởng thành như ngày hôm nay. Giờ thì năm nào 20-11 chị cũng về thăm lại cô”. Nhìn ánh mắt sung sướng của cô mỗi khi có học sinh cũ đến thăm, tôi càng hiểu thấm thía hơn tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của cô.


Ngày 20-11 đang đến gần, nếu chỉ có một lời chúc cho người mẹ hiền thứ hai này, tôi chỉ mong cô sẽ tiếp tục sự nghiệp của người lái đò thầm lặng để ươm mầm ngày càng nhiều những ước mơ.

Nguyễn Thu Thảo- 11D1