Buổi sáng ngày 30/5 vừa qua, tại ngôi trường mang tên Bác, các bạn học sinh khối 10 đã tham gia buổi trưng bày sản phẩm văn học và nghệ thuật - kết quả của dự án học tập “Kiệt tác Truyện Kiều – hòa âm phối sắc”. Đây là cơ hội để các bạn trau dồi thêm vốn hiểu biết và tình yêu với giá trị văn hóa truyền thống, giá trị văn học và nghệ thuật của dân tộc.

Truyện Kiều” là kiệt tác có sức ảnh hưởng xuyên thời gian, vượt biên giới với những đóng góp về phương diện ngôn ngữ dân tộc và những tư tưởng nhân đạo sâu sắc đi trước thời đại của bậc đại tác gia Nguyễn Du. Nhằm thiết thực kỉ niệm 200 ngày mất của đại thi hào dân tộc (1820-2020) và bồi dưỡng niềm yêu thích, trân trọng kiệt tác “Truyện Kiều” của các học sinh, buổi trưng bày dự án chủ đề 4: “Nguyễn Du và Truyện Kiều - danh nhân và kiệt tác” được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các lớp khối 10.




Ngay từ sáng sớm, GVCN, các bạn học sinh và PHHS đã tất bật chuẩn bị cho gian trưng bày của lớp mình

Tham gia vào buổi trưng bày dự án lần này, mỗi lớp không chỉ đầu tư về tính thẩm mĩ với nhiều hình ảnh mang đậm màu sắc dân gian truyền thống bắt mắt, mà nội dung trình bày cũng rất sáng tạo và cho thấy sự hiểu biết chuyên sâu về một kiệt tác văn chương – “Truyện Kiều”.


Không gian viết thư pháp









Không gian trưng bày sản phẩm của các lớp

Chia sẻ về quá trình tham gia chuẩn bị cũng như đóng góp cho chủ đề lần này, bạn Vũ Dương Hà (10A1) chia sẻ: “Lần đầu tiên mình thấy yêu một tác phẩm văn học đến vậy. Quá trình chuẩn bị dự án đã khiến mình thêm yêu nàng Kiều hồng nhan đa truân, yêu cách Nguyễn Du thể hiện tư tưởng vào trong những trang Kiều sâu sắc nước đời của ông. Không những thế, mình còn có thêm các kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng xử lí thông tin, và đặc biệt là có những sáng tạo riêng của mình cho không gian trưng bày của lớp”.



Phần trình bày của các lớp nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ ban giám khảo và các bậc phụ huynh

Thầy Nguyễn Tuấn Sơn – giám khảo của cuộc thi đánh giá: “Bản thân tôi cũng là một người yêu Nguyễn Du, một người được những trang Kiều truyền cảm hứng bất tận cho các tác phẩm hội họa của mình. Hôm nay, được thấy các sản phẩm sưu tầm, sáng tạo về Nguyễn Du, về “Truyện Kiều”, bản thân tôi cảm thấy rất xúc động, rất tự hào. Trong thi ca nhạc họa đều có những nét rất “Việt Nam” mà ấn tượng nhất với tôi là chi tiết chiếc đàn nguyệt của nàng Kiều trong một bức họa, thể hiện sự am hiểu của các em về cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du, sự am hiểu về văn hóa dân tộc gửi gắm trong dòng thơ Kiều từ trăm năm trước”.

Kết thúc buổi sinh hoạt ngoại khóa, các lớp khối 10 đã được lắng nghe kết quả sản phẩm dự án, đồng thời nhận những món quà động viên tinh thần bởi sự đóng góp, cống hiến nhiệt tình cho dự án “Kiệt tác “Truyện Kiều” – hòa âm phối sắc”.



Gương mặt rạng rỡ của các bạn học sinh sau khi kết thúc một dự án đầy ý nghĩa

Chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều - danh nhân và kiệt tác được tổ chức thành công với  sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống dân gian với nét phá cách trẻ trung hiện đại. Thông qua dự án này, Nguyễn Du và “Truyện Kiều như được sống lại, đánh thức những rung cảm của các bạn học sinh về một kiệt tác dân tộc, về một tình yêu với giá trị văn học và nghệ thuật nước nhà. Mong rằng những hoạt động dạy và học ngoại khóa sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai, giúp các bạn học sinh có thêm nhiều kiến thức và kĩ năng trong học tập cũng như thực tiễn.

Bài viết: Đặng Quỳnh Chi (10D2)

Ảnh: Nguyễn Khánh Linh (10D2) Đỗ Hải Đăng (10N2)