Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới hình thức dạy học với những tiết học mà ở đó học sinh được thỏa sức thể hiện niềm đam mê, khả năng và sự sáng tạo của mình. Không chỉ là tiết Ngữ văn thông thường, những ngày đầu tháng 5 vừa qua, tập thể lớp 11D1 đã tổ chức Dự án học tập dưới hình thức 2 buổi tọa đàm với chủ đề “Văn học Việt Nam 1930 – 1945” vô cùng hấp dẫn.

Với các khán giả là các giáo viên tổ Ngữ văn trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), các thầy giáo, cô giáo từ Trường Liên cấp Nguyễn Tất Thành (Hà Nam) và học trò lớp 11D1, 2 buổi tọa đàm đã được theo dõi và cổ vũ rất nhiệt tình.



Khách mời là các thầy cô giáo bộ môn Ngữ văn và học sinh lớp 11D1

Talkshow đầu tiên được diễn ra với chủ đề “Bước ngoặt vàng trong thi ca”. Trong đó, các thành viên tổ 2 và tổ 3 lớp 11D1 đã hóa thân thành “nhà văn” Nguyễn Đức Toàn, “nhà thơ” Đỗ Minh Châu, “nhà phê bình” Nguyễn Thị Trà My thời hiện đại để đánh giá về thơ ca 1930 – 1945 với cái nhìn và quan điểm của những người trẻ tuổi. Những trao đổi, thảo luận của các bạn đã mang đến cho các khán giả từ những điều khái quát đến những lời cảm thụ chuyên sâu về giai đoạn thơ ca 30 – 45 mà ở đó, các bạn cho rằng là “Bước ngoặt vàng”. Điểm đặc biệt ở nhóm đầu tiên chính là sự chuẩn bị kĩ lưỡng trong việc thu thập ý kiến và cái nhìn của thế hệ trẻ mà cụ thể là những học sinh Nguyễn Tất Thành về giai đoạn văn học 1930 – 1945.


MC Vân Thanh và khách mời “nhà thơ” Đỗ Minh Châu,
“nhà văn” Nguyễn Đức Toàn và “nhà phê bình” Trà My của talkshow đầu tiên


Khán giả của buổi tọa đàm – bạn Huyền Nhi - cũng hăng hái đặt các câu hỏi cho khách mời

Trái ngược với talkshow đầu tiên, talkshow thứ hai do tổ 1 và tổ 4 đã mang đến một không gian xưa với “Chợ văn” mang tên “Dấu ấn” – lấy bối cảnh từ năm 1944. Tại đây, khách mời là nhà văn Kim Lân, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan và nhà biên kịch Vũ Đình Long do các thành viên 2 tổ thể hiện rất thành công. Ba nhân vật đã mang tới cho khách mời cái nhìn rõ nét về Truyện và Kịch 1930 – 1945 với những dấu ấn son sắc. Nhóm 2 đã mang tới cho sân khấu phê bình những tiếng cười bởi sự dí dỏm, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc từ các khách mời mang lại.


Tọa đàm “Dấu ấn” được mở đầu với những giới thiệu
khái quát về Truyện và Kịch 1930 – 1945 do MC Tú Linh mang đến


Ba khách mời: Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan (Thanh Huyền),
nhà biên kịch Vũ Đình Long (Trần Linh) và nhà văn Kim Lân (Minh Duy)

Học sinh Phương Nhi – một trong những khách mời của buổi tọa đàm – chia sẻ: “Cá nhân em thích cả hai buổi tọa đàm vì em rất thích môn Văn, đặc biệt là Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Em rất cảm ơn Nhà trường đã quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh chúng em được thỏa sức thể hiện đam mê và khả năng của mình với những hoạt động học tập như vậy, và cũng cảm ơn cô Trịnh Lan và các bạn lớp 11D1 đã mang tới những buổi tọa đàm tuyệt vời đến thế”.

Còn với cô giáo Trịnh Thị Lan – giáo viên bộ môn Ngữ Văn lớp 11D1, đồng thời là người hướng dẫn cho dự án học tập này của học sinh – đã nhận xét về thành quả của 2 nhóm: “Cô thấy rất tự hào về các em. Kết quả các em đã làm vượt xa sự mong đợi của cô trước đó. Cô hi vọng rằng 11D1 sẽ cùng cô và các thầy cô giáo khác thực hiện được nhiều hoạt động dạy và học bổ ích và đầy sáng tạo như thế”.


Cô giáo Trịnh Thị Lan bên các học trò tài năng của mình

Được đánh giá là một trong những hình thức học tập mới tại trường Nguyễn Tất Thành nhưng không vì thế mà những buổi tọa đàm của lớp 11D1 thực hiện diễn ra thiếu chuyên nghiệp. Gần 1 tháng chuẩn bị với những thảo luận, cố gắng không ngừng của các thành viên lớp 11D1 đã được đền đáp với thành quả xứng đáng. Mong rằng, thầy và trò trường Nguyễn Tất Thành sẽ luôn sáng tạo hơn nữa để chúng ta có thêm nhiều tiết học bổ ích và lí thú.

Bài viết: Khuất Hoàng Tú Linh (11D1)

Ảnh: Vũ Đinh Ngọc Khuê (8A4)