Tôi trở lại vườn xưa đúng vào dịp hoa bưởi nở. Hai cây bưởi một thấp, một cao tán đầy hoa trắng. Hương bưởi thơm dịu nhẹ và êm đềm. 


(Nguồn Internet)

Cây bưởi cao là cây mọc lên từ hạt. Có lẽ đó là hạt của cây bưởi bố tôi trồng cạnh giếng vào ngày bố mẹ dọn ra ở riêng gần 40 năm trước. Mẹ bảo khi ấy nhà nghèo lắm. Bố mẹ ra ở riêng với một gian nhà lá, một chiếc cối đá xanh và một cây gỗ mítbà nội cho. Cây gỗ mít ấy về sau được xẻ ra làm bàn học-chiếc bàn bốn chị em tôi ngồi học sau này. 
Chỗ nhà tôi ở khi ấy là đồi trọc, trời nắng như thiêu như đốt. Mấy chú gà con mới nuôi luôn tìm cách chạy theo người để tìm bóng mát. Để kỉ niệm ngày ra nơi ở mới, bố trồng ở gần giếng một cây bưởi. Khi tôi lớn lên, biết kéo nước giếng để vo gạo nấu cơm, cây bưởi đã vươn cành tỏa bóng. Cách mặt đất chừng hai mét, cây bưởi rẽ nhánh tạo thành một cái chạc. Chỗ đó tôi và em trai hay nhảy lên ngồi vắt vẻo. Thích vô cùng. 
Mùa xuân hoa bưởi rụng trắng sân. Mỗi sáng thức dậy mẹ lại sai cầm chổi quét. Hoa bưởi rụng xuống vẫn tươi nguyên. Tôi và thằng em nhặt những bông hoa lớn, vặt cánh đi biến chúng thành con quay. Kẹp cuống hoa bằng ngón trỏ và ngón cái rồi xoay thật mạnh. Hoa quay tròn. Hoa của thằng nào quay tròn lâu hơn là thằng ấy thắng. Thằng thắng được quyền búng tai thằng thua. Nghệ thuật búng tai nằm ở chỗ búng thật mạnh nhưng phải tính sao cho ngón tay phóng ra chỉ chạm một phần rìa ngoài của vành tai. Thế nó mới đau. Nhưng tai hại! Có lúc búng quá tay, thằng em nổi khùng quay lại giã luôn cho ông anh một trận. Lỗ vốn! 


(Nguồn Internet)

Quả bưởi lớn nhanh như thổi. Khi hè đến bọn trẻ chúng tôi đã có những trái bưởi xanh bị rụng làm bóng. Bưởi được đập mềm hoặc nướng lên làm bóng. Sân bóng là đường làng hoặc sân kho của hợp tác. Buổi trưa, trời nóng như rang, lũ trẻ vẫn đầu trần hùng hục xô đẩy cướp quả bóng làm trừ trái bưởi. Chân bị bỏng rộp từng mảng nhưng không thằng nào hé răng kêu. Tháng tám, có trại hè, bưởi bắt đầu ăn được dù vỏ ngoài vẫn xanh. Cách Tết chừng 1, 2 tháng bưởi bắt đầu chín vàng. Mẹ tôi thường dặn: “hai thằng ở nhà chơi trông gà cho mẹ. Cấm không được ăn vụng bưởi. Mẹ đếm hết rồi đấy”. Hai thằng gật đầu lia lịa. Mẹ vừa ra đến đầu làng, hai thằng đã vọt lên cây bưởi. Ngó nghiêng hết quả nọ quả kia rồi tặc lưỡi vặt một quả. Hai thằng ăn vụng bưởi xong đem vỏ phi tang. Ăn vụng mãi hình như mẹ cũng biết nhưng mẹ cũng chỉ mắng cho lấy lệ. Chỉ có hai chị gái là lườm rất dữ. 

Trước mặt nhà tôi là cánh đồng và đi hết cánh đồng là chợ. Chợ nhìn ra sông Thương. Đi qua đò sang bên kia sông, vượt qua cánh đồng là chợ Than. Tôi cũng không hiểu sao lại có những tên địa danh não nề như thế. Gần tết, mẹ thường cho hai em đi theo mẹ ra chợ bán bưởi. Mẹ gánh hai thúng bưởi vàng, cuống quết vôi còn hai thằng chạy hai bên. Chợ đông nhưng thật lắm người quen. Người đến mua bưởi, người đến chào mẹ. Có người buổi sáng nhấc lên nhấc xuống mấy lần nhưng không mua một quả nào. Hai thằng tay cầm bánh rán mẹ mua, ngồi giương mắt ngắm khách mua bưởi. Khi nào bán được chừng một nửa, mẹ cầm tiền đi mua rau hay mua thịt, lúc ấy hai anh em sẽ phải làm nhiệm vụ trông bưởi. Ai đến hỏi mua thì bảo: “lát nữa mẹ cháu về, cô (bác) quay lại”. Đi chợ với mẹ rất thích. Lúc nào mẹ không cho đi chỉ muốn lăn đùng ra ăn vạ. Thằng em nghĩ ra món võ hiệu quả hơn là bốc gạo của mẹ ném cho gà ăn. Và hình như lần nào hai anh em cũng thắng…


(Nguồn Internet)

Tôi vào đại học thì cây bưởi chết. Chết khô từ ngọn đến gốc. Bố bảo nó già quá. Bố ngả xuống đem xẻ ván làm cánh cửa. Mỗi lần đi qua chỗ đó tôi không khỏi có cảm giác tiếc nuối. Thật may, ở ngay chỗ cây bưởi cũ mọc lên một cây bưởi con. Có lẽ mọc từ hạt của cây bưởi cũ. Chị gái trước khi về nhà chồng cũng trồng vào cạnh đó một cây bưởi lấy về từ trường nông nghiệp. Bây giờ, hai cây bưởi đều trổ hoa thơm ngát. Nhặt cánh hoa rơi không khỏi nhớ chuyện ngày xưa. 

16/3/2014

Thầy giáo Nguyễn Quốc Vương