Mong muốn trang bị kiến thức và phát huy kĩ năng cho học sinh một cách sâu sắc và toàn diện, các thầy cô giáo trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành luôn tìm cách đổi mới phương pháp và hình thức giảng dạy. Chuyến trải nghiệm thực tế tại Đền Đô dành cho học sinh khối 7 được tổ chức vào thứ 7 (16/1) là một trong những hoạt động như thế.

Những nụ cười, sự hào hứng xuất hiện trên gương mặt các em học sinh ngay từ khi xuất phát. Trước chuyến đi, em Nguyễn Phương Thảo lớp 7A7 chia sẻ về sự chuẩn bị của mình cho buổi học tại Đền Đô: “Chúng em rất mong chờ và hào hứng với chuyến đi này. Vì thế, chúng em đã chuẩn bị mọi thứ rất kĩ lưỡng. Dưới sự định hướng của thầy cô, chúng em đã chia thành các nhóm nhỏ, phân công công việc, tìm hiểu về tám triều vua nhà Lý cũng như kiến trúc Đền Đô… Em hi vọng, đến Đền Đô, được trực tiếp quan sát và trải nghiệm, được sống trong không khí thiêng liêng này, chúng em sẽ tìm kiếm được những tư liệu cũng như có được những cảm xúc quý giá để có thể hoàn thành tập san của mình một cách tốt nhất”.

Dừng chân tại di tích Đền Lý Bát Đế, các em học sinh nhanh chóng tập trung để cùng các thầy cô làm lễ dâng hương lên các vị vua thời Lý.


Thành kính dâng hương lên các vị vua triều Lý

Sau đó, các em chăm chú và say mê lắng nghe thầy giáo Lê Đình Cương trân trọng giới thiệu về công lao của các vị vua triều Lý. Với chất giọng trầm ấm, sau khi kể những câu chuyện, những chiến công của cha ông một thuở, thầy ngân vang bài thơ do mình tự sáng tác khi đứng giữa vòng tuyến Như Nguyệt:

“Sông Cầu một sáng mùa đông

Nghiêng mình tưởng nhớ chiến công thuở nào

Đắp đê cao, rộng, che rào

Ngăn dòng giặc Tống không vào Thăng Long

Thơ Thần khát vọng ước mong

Vang vọng trời đất thấm trong từng lời

Đại Việt độc lập muôn đời

Chiến công Như Nguyệt rạng ngời sử xanh”

 

Các em học sinh say mê ghi chép lời giảng của thầy bằng mọi phương tiện.

Và bây giờ là lúc các em tự tìm hiểu về di tích Đền Đô để hoàn thành tập san của mình.

 

Cô giáo Lê Thu chia sẻ với chúng tôi: “Việc học tập trải nhiệm sáng tạo này khác với việc học trên lớp vì việc học sẽ phải chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, các em sẽ được giao nhiệm vụ ở trên lớp, được phân nhóm để giải quyết các nhiệm vụ học tập. Giai đoạn thứ hai, qua trải nghiệm thực tế, các em sẽ được hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về lịch sử văn hóa triều Lý, đồng thời có ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa lịch sử của cha ông. Giai đoạn thứ ba, các em hoàn thành sản phẩm học tập để thầy cô đánh giá và để các em tự đánh giá dưới sự hướng dẫn của thầy cô”. Theo cô, những hoạt động trải nghiệm như thế này vô cùng quý giá, bởi nó “giúp các em hoàn thiện các năng lực của bản thân như năng lực hợp tác, năng lực làm việc nhóm, năng lực thuyết trình, các kĩ năng đi nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu thực tế...”.


Cô giáo Lê Thu chia sẻ về hình thức học tập thú vị này

Để thưởng cho sự hăng say học tập của các em học sinh, buổi chiều các thầy cô đã tổ chức cho các em những trò chơi dân gian thú vị và bổ ích.


Đoàn kết trong trò chơi kéo co

Phụ huynh em Nguyễn Anh Tài (7A7) sau khi quan sát buổi học thực tế cùng con đã vui mừng nói lên cảm nhận: “Theo tôi, đây là hình thức học tập rất mới mẻ rất hiện đại. Các con được trực tiếp quan sát và trải nghiệm, được tự tìm hiểu và chọn lọc kiến thức, được chủ động và sáng tạo… Các con rất vui và thích thú. Tôi tin, hình thức này sẽ mang lại cho các con những bài học bổ ích”.

Những người âm thầm đứng sau để làm nên thành công của buổi học tập trải nghiệm lần này chính là các thầy cô giáo. Để có một buổi học thực tế như thế này, thầy cô đã phải ngồi lại cùng nhau, bàn bạc, thống nhất lên nội dung, bố trí chương trình giảng dạy để sao cho các hoạt động phải có sự liền mạch và chặt chẽ, hiệu quả và có tính giáo dục cao. Trong suốt chuyến đi, thầy cô luôn tận tình và sẵn sàng giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh.


Chuyến đi kết thúc nhưng dư âm đẹp đẽ của nó chắc chắn vẫn còn mãi trong lòng các em học sinh và các vị phụ huynh.

Nguyễn Thùy Linh (11D1)