MotTheGioi.vn - Sản phẩm được lập trình với ngôn ngữ lập trình Audruino có tác dụng dự báo thời tiết, đồng thời khi nhiệt độ và độ ẩm quá cao hoặc quá thấp thì máy sẽ thông báo cho người dùng bằng số liệu để kịp thời phòng tránh.



Em Nguyễn Thanh đang thuyết trình về mô hình Máy đo khí tượng thông minh tại cuộc thi HACKATHON STEM IOT 2016 (Ảnh: Thu Anh)

Đoạt giải nhì trong cuộc thi HACKATHON STEM IOT 2016 - cuộc thi thiết kế các sản phẩm, thiết bị công nghệ dành cho học sinh say mê sáng tạo và lập trình ở độ tuổi từ 11 - 18 đang sống và học tập tại Hà Nội, em Nguyễn Thanh (SN 2003, học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành) và bạn đồng hành Nguyễn Hà Phan (học sinh lớp 8, Trường Marie Curie) đã thuyết phục được Ban giám khảo với thiết bị “Máy đo khí tượng thông minh”.

Mô hình nhiều ứng dụng

Trao đổi với PV báo điện tử Một Thế Giới về ý tưởng thiết kế sản phẩm, Nguyễn Thanh cho biết: “Hiện nay, hiện tượng thiên nhiên ngày càng biến đổi phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng tăng dẫn tới nhiều chuyện thương tâm đã xảy ra. Nếu chúng ta dự đoán trước được thời tiết thì sẽ giảm thiểu phần nào những chuyện không hay. Nhận thấy điều này, chúng em quyết định làm một sản phẩm có thể dự báo trước được thời tiết giúp con người có thể phòng tránh thiên tai”.

Theo Thanh chia sẻ, đây là một sản phẩm thông minh rất hữu dụng cho con người vì được lập trình với ngôn ngữ Audruino có tác dụng dự báo thời tiết. Cụ thể, khi nhiệt độ và độ ẩm quá cao hay quá thấp, máy sẽ thông báo cho con người bằng số liệu cụ thể nhằm kịp thời phòng tránh những hiểm họa không đáng có. Đặc biệt, máy đo khí tượng thông minh vô cùng nhỏ gọn và cũng rất tiết kiệm pin.





Mô hình "Máy đo khí tượng thông minh" nhỏ gọn của hai học sinh lớp 8 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)


Với thiết kế nhỏ gọn, nguyên lý hoạt động của sản phẩm này vô cùng đơn giản. Nhờ được lập trình bởi ngôn ngữ lập trình Audruin mà sản phẩm có thể nhận biết được cảm biến độ ẩm, cảm biến nhiệt độ rồi sẽ tiến hành đo độ ẩm, nhiệt độ trong không khí. Với cảm biến ánh sáng, máy sẽ xem xét độ sáng trong phòng trước khi  tiến hành phân tích.

Sau khi nhận các thông số cần thiết, tất cả dữ liệu mà cảm biến ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ thu được sẽ được gửi về máy chủ Audruino. Lúc này, máy chủ Audruino sẽ xem xét các thông số nhận được rồi thông báo cho người dùng biết bằng đèn LED số.

Dựa trên nguyên lý hoạt động đơn giản, theo chàng trai thế hệ 10X này, sản phẩm này có rất nhiều công dụng như có thể dự báo trước được thời tiết giúp ích rất nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp. Nó cũng có thể áp dụng cho dự án nhà thông minh: nếu như nhiệt độ ngoài trời quá cao thì quạt và máy điều hòa sẽ tự bật, hoặc khi trời tối thì đèn có thể tự sáng…



Bản mô tả chi tiết sản phẩm của Nguyễn Thanh và Hà Phan tại cuộc thi HACKATHON STEM IOT 2016 (Ảnh: Thu Anh)

Sẽ bán ra thị trường chỉ với giá 100.000 đồng

Được biết, để hoàn thiện sản phẩm, hai học sinh cấp 2 đã mất hơn 1 tuần để hoàn thành với chi phí ban đầu khoảng 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Nguyễn Thanh và Hà Phan đã gặp không ít khó khăn để hoàn thành được sản phẩm và rất vui khi giành được giải thưởng cao trong cuộc thi HACKATHON STEM IOT 2016 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.




Nguyễn Thanh đang say sưa trình bày ý tưởng của mình (Ảnh: Thu Anh)

Không ngủ quên trong chiến thắng, Thanh bày tỏ hướng đi trong tương lai cho sản phẩm: “Em muốn được nâng cấp sản phẩm này hơn nữa vì nó còn nhiều hạn chế như: máy chỉ thông báo các con số cho người dùng mà chưa cho biết trời có mưa, nắng hay không. Hơn nữa chi phí của sản phẩm này khá đắt, những người không có điều kiện hoặc ở vùng sâu vùng xa sẽ khó có thể mua được, điều ấy đồng nghĩa với việc sản phẩm làm ra cũng bằng thừa”.

Với mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến và sử dụng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn nên Thanh cũng dự định nếu bán ra thị trường thì các bạn chỉ bán với giá khoảng 100.000 đồng, giúp mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thu Anh 

Nguồn:
Link bài viết gốc