Từ xưa đến nay, giáo dục Lịch sử luôn là một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục nhà trường và xã hội. Với mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn chú trọng đầu tư và giáo dục đồng đều ở tất cả các môn học, trong đó không ngoại trừ môn Lịch sử.

Lịch sử với sự khuất lấp của nó luôn hấp dẫn sự tìm tòi, khám phá của mỗi chúng ta. Học Lịch sử không chỉ là tìm hiểu về quá khứ, về cội rễ ông cha mà hơn cả là học để rút kinh nghiệm từ quá khứ, hiểu biết hiện tại và hướng tới tương lai. Với sự sáng tạo tuyệt vời của mình, học sinh lớp 8 Trường Nguyễn Tất Thành đã biến nội dung lịch sử chủ đề “Các đế quốc Âu – Mĩ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX” tưởng chừng khô khan trở nên độc đáo, dễ hiểu bởi những bức tranh do chính các em vẽ nên. Dưới đây là một số họa phẩm xuất sắc nhất trong rất nhiều họa phẩm thú vị khác:


Bức tranh: “Đại yến của nước Anh” của Hà Minh Thư (8A6)

(Mô tả: Đế quốc Anh có hệ thống thuộc địa lớn nhất (chiếm ¼ diện tích đất đai và ¼ dân số thế giới), hơn bất kì đế quốc nào khác. Qua hình ảnh một bàn tiệc, trong đó riêng nước Anh với sự đủ đầy của các loại thức ăn, Minh Thư muốn làm nổi bật vấn đề nêu trên)


Bức tranh: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh” của Nguyễn Phương Anh (8A1)

(Mô tả: Vì có hệ thống thuộc địa trải dài từ Đông Bán cầu sang Tây Bán cầu nên cụm từ “Mặt trời không bao giờ lặn” rất phù hợp với đế quốc Anh)


Bức tranh: “Trái đất của ta” của Trần Diệu Linh (8A5)

(Mô tả: Trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở nước Đức, nhu cầu về thuộc địa tăng cao nên Đức khao khát đánh chiếm để có thêm thuộc địa).


Bức tranh: “Giấc mộng của người Đức” của Hoàng Lê Thu Nguyên (8A6)

(Mô tả: Khi Đức cực thịnh về kinh tế, nhu cầu về thuộc địa lớn nhất thì các “đế quốc già” Anh, Pháp đã chia xong thuộc địa trên thế giới. Vậy nên, khao khát về thuộc địa của người Đức dường như chỉ là “giấc mộng” mà thôi).


Bức tranh: “Ba đánh một” của Đặng Vũ Hoàng Minh (8A6)

(Mô tả: Bức tranh của Hoàng Minh nêu rõ sự chênh lệch về việc “phân chia” hệ thống thuộc địa trên thế giới của 4 đại đế quốc).


Bức tranh: “Không có gì ngoài tiền” của Đặng Gia Huy (8A6)

(Mô tả: Bức tranh nêu bật một đặc điểm của Pháp khi chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa - làm giàu bằng cách cho các nước nghèo hơn vay lãi).


Bức tranh: “Trùm cho vay lãi” của Nguyễn Xuân Giang (8A5)

(Mô tả: Bức tranh thể hiện rõ hơn về các con nợ” của Pháp - đế quốc cho vay lãi, đó là Nga, Thổ Nhĩ Kì…)

Các học sinh đều bày tỏ sự thích thú với việc học Lịch sử qua tranh vẽ, trong đó học sinh Đào Công Vinh (8A5) chia sẻ: “Bằng kiến thức đã học, việc tự mình vẽ nên những bức tranh giúp em thể hiện góc nhìn của mình một cách đầy sáng tạo, qua đó kiến thức lịch sử vì thế cũng khắc sâu hơn. Với những sản phẩm đầy sáng tạo của học sinh, rõ ràng Lịch sử sẽ không hề nhàm chán nếu biết biến những điều tưởng như khô khan trở nên thú vị và giản dị trong mắt học trò.

Thực hiện: Thầy giáo Trần Thanh Quang (Tổ Lịch sử)