Làm thế nào để có thể làm bạn cùng con, thấu hiểu và chia sẻ, xóa đi khoảng cách ngày càng lớn giữa cha mẹ và con cái luôn là mối quan tâm không chỉ của gia đình. Tọa đàm "Hiểu con và làm bạn với con" do phòng Tâm lý học đường trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và các phụ huynh lớp 7A5 diễn ra vào một ngày cuối tuần của tháng tư là một trong những hoạt động như thế.


Cô Trần Thị Mạnh Linh và cha mẹ học sinh lớp 7A5 trong buổi tọa đàm.

Trước buổi tọa đàm, cô Mạnh Linh đã tiến hành khảo sát với 41 học sinh lớp 7A5 về những khó khăn tâm lý học đường. Kết quả quả thu được: mỗi học sinh đều có những nỗi niềm riêng và rất cần được cha mẹ thấu hiểu như lo lắng về tính khí thất thường của bản thân, lo lắng vẩn vơ về sức khỏe, sự than phiền hay trách mắng, kiểm soát nhiều vào đời sống cá nhân… của cha mẹ.

Những biểu hiện trên là hoàn toàn tự nhiên vì các bạn học sinh đều đang trong độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, tuy nhiên những con số ấy cũng không khỏi làm các bậc phụ huynh cảm thấy bối rối. Điều này cho thấy việc thấu hiểu con cái và phá vỡ bức tường ngăn vô hình giữa hai thế hệ là vô cùng cần thiết.

Trong phần trình bày của mình, cô Trần Thị Mạnh Linh đã tọa đàm với phụ huynh về những vấn đề liên quan đến sự biến đổi tâm lý của con ở lứa tuổi lớp 7, những hệ quả của sự biến đổi đó, và những cách ứng phó với những hệ quả thông qua những tình huống cụ thể.

Buổi tọa đàm ghi nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc, những tình huống thú vị từ các bậc phụ huynh. Có nhiều vấn đề được đặt ra như "Tại sao các con lại không nói với chúng tôi về nhưng khó khăn trên?", "Làm thế nào để việc quan tâm, chăm sóc con không bị con coi là gò bó, áp đặt?"... đều được cô Mạnh Linh giải quyết một cách triệt để và nhiệt tình. Cô phân tích rõ về khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, đồng thời khuyên các bậc phụ huynh hãy giành nhiều thời gian cho con em mình. Một số biện pháp gần gũi con được cô Mạnh Linh đưa ra như "sử dụng những cảm xúc vui vẻ với con", "cùng xây dựng thời gian biểu", "thổi bong bóng tiêu cực", "lập biểu đồ cảm xúc"...


Cô Mạnh Linh nhập vai giải quyết tình huống cùng phụ huynh.

Sau 2 giờ đồng hồ, buổi tọa đàm đã diễn ra hết sức thành công tốt đẹp. Hi vọng những phương pháp học được từ buổi tọa đàm sẽ giúp những người làm cha làm mẹ ấy gần gũi, thấu hiểu con hơn và trở thành người đồng hành đáng tin cậy của con trong học tập và cuộc sống.

Lê Thị Thùy Dương (CHS) - CLB Phóng viên