Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành luôn đề cao và chú trọng đến các hoạt động học tập liên môn ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Vừa qua, học sinh khối 6 đã có buổi học tập, trải nghiệm liên môn Lịch sử - Mĩ thuật tại Bảo tàng Mĩ Thuật Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo Tổ Lịch sử, Nghệ thuật của trường. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam được đánh giá là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu trữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Buổi hoạt động ngoại khoá bổ ích tại đây được tổ chức nhằm giúp các học sinh khối 6 nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa của từng thời kì, giai đoạn lịch sử cũng như bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, cảm thụ cái đẹp cho các em.

Trước khi tham quan Bảo tàng, học sinh được tìm hiểu về nội quy để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra trong buổi trải nghiệm. Các em cũng được phát các phiếu học tập như một bản thu hoạch nhỏ để ghi chú những thông tin, kiến thức cần thiết trong quá trình tham quan.


Thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn (Tổ Nghệ thuật) phổ biến cho học sinh về nội quy của Bảo tàng trước giờ vào tham quan

Buổi học của học sinh khối 6 Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành được bắt đầu bằng nhiệm vụ vẽ lại các hoa văn trên những bức phù điêu và trên các cánh cửa. Đây là hoạt động khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và khả năng quan sát cao, đồng thời kích thích trí tò mò, tinh thần ham học hỏi của học sinh.


Học sinh khối 6 khởi động với nhiệm vụ “Vẽ hoa văn”

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, học sinh hai lớp đã được tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của Bảo tàng Mĩ thuật tại phòng trưng bày. Tại các gian trưng bày hiện vật, học sinh đã được nghe những sự tích liên quan đến các đồ vật vốn là vật dụng quen thuộc của ông cha ta thời xưa. Dường như những câu chuyện này đều khá mới mẻ và khơi gợi được sự hứng thú của các cô, cậu học trò lớp 6. Tại đây, các em cũng có cơ hội quan sát, tìm hiểu kĩ hơn về những hoa văn, hoạ tiết, kiến trúc nổi bật, đặc trưng cho từng thời kì lịch sử của đất nước và những nét văn hoá lâu đời của các dân tộc anh em trên “dải đất hình chữ S”.


Hướng dẫn viên giới thiệu về Con Rồng thời Lý cho học sinh khối 6


Học sinh nghe, ghi chú và đặt câu hỏi cho hướng dẫn viên về Tượng Phật A Di Đà



Học sinh chăm chú lắng nghe giới thiệu về báu vật quốc gia – Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay – tiêu biểu cho di sản Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam thời Lê Trung Hưng


Học sinh quan sát và ghi chép về những tác phẩm điêu khắc tại gian trưng bày

Có thể nói, song song với việc tiếp thu kiến thức lí thuyết trên lớp, hoạt động trải nghiệm ngoại khoá cũng vô cùng quan trọng trong việc giáo dục học sinh, bởi lẽ, trải nghiệm giúp học sinh tiếp cận vấn đề dưới một góc nhìn khách quan, chân thực và sinh động hơn. Là hướng dẫn viên của Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, cô Phương Chi bày tỏ suy nghĩ: Công nghệ ngày nay rất hiện đại, có thể cho phép các em tự học tại nhà, thậm chí có thể nhìn kĩ các góc của các món đồ trưng bày tại bảo tàng. Dù vậy, cô vẫn nghĩ rằng được học trực tiếp tại bảo tàng có lợi hơn bởi các em sẽ được tương tác với nhau nhiều hơn, trải nghiệm sẽ chân thực hơn. Hơn nữa, nếu tìm hiểu kĩ, các em cũng có thể nhận ra rằng: Mỗi cổ vật đều có câu chuyện của riêng nó, phản ánh văn hóa trong các thời kì lịch sử của đất nước.

Hơn thế nữa, buổi học tập liên môn tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam lần này là cơ hội tốt để học sinh khối 6 được tự mình tìm hiểu, khám phá về lịch sử và văn hoá, kiến trúc của chính đất nước mình. Nói về chuyến đi lần này, học sinh Bảo An (6A5) chia sẻ: Đây là buổi học ngoại khóa đầu tiên của em. Em rất thích trải nghiệm ngoài lớp học như thế này bởi em được tiếp nhận những kiến thức thực tiễn, được lắng nghe những câu chuyện lí thú xung quanh các cổ vật. Em mong sẽ được tham gia nhiều chuyến đi học trải nghiệm như thế này hơn nữa ạ.



Các lớp chụp ảnh lưu niệm trước Bảo tàng Mĩ thuật sau chuyến đi

Buổi hoạt động ngoại khoá liên môn đầy lí thú và ý nghĩa tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam đã giúp cho học sinh khối 6 có những giây phút đắm chìm vào những không gian nghệ thuật thắm đượm hương vị của lịch sử đất nước. Tin rằng buổi tham quan lần này đã để lại trong lòng các em những ấn tượng khó phai. Mong rằng trong tương lai, những hoạt động bổ ích như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức để học sinh có thể được “học đi đôi với hành”, phát triển đầy đủ về kiến thức kĩ năng.

Bài viết: Hoàng Phương Thảo (11D1) - Nguyễn Hoàng Thái An (11D4)

Ảnh: Thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn (Tổ Nghệ thuật)