M. Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học”, quả đúng như vậy! Mỗi tác phẩm văn học đều đem đến cho người đọc những câu chuyện triết lí về cuộc sống, về tình cảm gia đình, về tình thầy trò đầy ý nghĩa. Và “Người gieo hi vọng” của tác giả Erin Gruwell cũng là một cuốn sách như thế. Cuốn sách đã gợi nhớ trong mỗi độc giả về những kỉ niệm về tình thầy trò, những sẻ chia về kinh nghiệm cuộc sống, học tập, cùng những tâm tư, nguyện vọng và cả những giận hờn của thời học sinh mang đầy ý nghĩa và thực sự chạm đến trái tim mỗi người. Vì vậy, “Người gieo hi vọng” đã trở thành ấn phẩm bestseller và tạo ra phong trào giáo dục học đường có ảnh hưởng lớn ở Mỹ.  

Người gieo hi vọng” là cuốn sách tập hợp 150 câu chuyện do Erin Gruwell - một giáo viên cùng các học sinh (đã từng là “cá biệt”) của mình trong nhóm Những nhà văn Tự do (Freedom Writers) chắp bút. Cuốn sách là các câu chuyện chân thực từ cuộc sống của chính những giáo viên và học sinh của họ. Đó là những dòng chữ đau đớn, những sự thực phũ phàng về tệ phân biệt chủng tộc và sự chia cắt làm tan vỡ những trái tim, do nạn lạm dụng tình dục, nhưng xuyên suốt tác phẩm vẫn lấp lánh thông điệp tình yêu và niềm hi vọng của con người đã được vang lên.  

Người gieo hi vọngnhư một ô cửa sổ hé mở cho độc giả thấy công việc giáo dục con người. Cuốn sách là lời tự kể của những người trong cuộc, những người giáo viên. Vậy những con người đó, họ là ai?  Khi một người chồng bỏ một cô giáo để ra đi, cô ấy quay trở lại công việc ngay ngày hôm sau. Khi một học sinh khác bị bắn, người giáo viên vẫn tiếp tục quay trở lại công việc. Khi trường học bị đánh bom, người giáo viên phải làm học sinh của mình cảm thấy an toàn. Họ cũng chỉ là những con người rất bình thường, với những cung bậc cảm xúc rất chân thực, rất đời thường, thế nhưng họ vẫn phải trở lại để dạy học, để truyền niềm tin và hi vọng về tương lai vì học sinh của họ đang cần họ. Dù họ đang tuyệt vọng hay đang lạc quan thì họ vẫn phải luôn cố gắng để truyền niềm tin của bản thân và hi vọng về tương lai tươi sáng cho học sinh của mình. Không chỉ là những câu chuyện bình thường mà cuốn sách được viết từ những câu chuyện, những cảm xúc vô cùng chân thực. Trong đó không chỉ có những ánh sáng hi vọng như một câu chuyện cổ tích mà nó còn có cả những góc tối, những cảm xúc tiêu cực khiến cho cuốn sách trở nên rất đời, rất gần gũi với mỗi một độc giả. Đặc biệt hơn nữa, cuốn sách như một lời tự sự về chính  cuộc  đời của mỗi một người giáo viên trong nhóm Nhà văn Tự do và Eurin Gruwell.

Cuốn sách gồm 6 phần như 6 mảnh ghép của một bức tranh hoàn chỉnh. Mở đầu của bức tranh hi vọng đó là những thách thức mà học sinh của họ phải trải qua. Đó không đơn giản là những lời khuyên, những việc làm để khiến học sinh cảm thấy tốt hơn mà đó là những cảm giác thấu hiểu, cảm thông vì họ cũng từng trải qua. Những nỗi đau mà họ phải gánh chịu trong quá khứ giờ đây một lần nữa hiện hữu trước mặt họ, trong cuộc sống của những em học sinh. Họ có tất cả những phẩm chất quan trọng: kĩ năng tổ chức, xử lí nhiều việc một lúc, giải quyết vấn đề, luôn tìm ra những điểm tốt ở bất cứ người nào. Thế nên quyết định trở thành một giáo viên đến rất dễ dàng? Nhưng điều mà không ai biết là họ phải chịu quá tải bởi áp lực, phải chịu một khối lượng công việc quá sức và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải xông vào trận đánh nhau kịch liệt nhất dù đang “mặc quần tất và đi giày cao gót”. Học sinh của họ không đơn giản là những cô cậu chỉ biết học hành và vâng lời mà các em mang theo đủ loại “hành trang”. Một số học sinh của họ từng vô gia cư hoặc có thai ở tuổi vị thành niên, và có những em khác nói đã “tham dự nhiều đám tang hơn tiệc sinh nhật ”. Khi câu chuyện của những học sinh bắt đầu được trải ra trên các trang giấy, tất cả những gì họ chia sẻ với học sinh là kinh nghiệm sống của chính bản thân mình. Nhưng thậm chí khi các học sinh của họ đang đau khổ, họ vẫn có thể vẫn thấy khó để quyết định nên tiết lộ bao nhiêu phần quá khứ của mình. “Kể đúng sự thật” về những vết thương và các vết sẹo đang cố giấu là một hành động cân bằng tàn nhẫn đối với bất kì ai. Nhưng họ đã nỗ lực trong việc kể chân thực những điểm tương đồng để tạo ra một môi trường an toàn, nơi mà học sinh có thể đến để bắt đầu quá trình chữa lành vết thương của mình. Đó có lẽ là điều mà chỉ có người giáo viên mới có thể làm được thôi!


Bìa cuốn sách “Người gieo hi vọng”

Kết thúc những khó khăn là mở đầu của sự mong đợi. Mỗi khi bắt đầu một năm học mới, không chỉ đối với mỗi học sinh chúng ta mà có biết bao nhiêu cảm xúc lại ùa về với tâm trí người giáo viên. Có những ý nghĩ như “Mình đã sẵn sàng chưa?” hay “Mình có thực sự mong muốn trở thành một giáo viên?”. Những câu hỏi đó không phải là không có vì những khó khăn mà họ trải qua những năm học khiến họ băn khoăn. Có sẵn trong tay giáo án được đánh máy kĩ càng và có đầy cảm hứng chuẩn bị sẵn sàng đưa học sinh của mình vào thế giới tri thức. Nhưng khi có những học sinh thờ ơ với bài giảng của họ thì bầu nhiệt huyết biến thành nỗi sợ hãi. Những ngày làm việc của họ thường bắt đầu từ khi “bình minh ló rạng” và kéo dài cho đến “giờ sáng của ngày hôm sau”. Những vất vả này liệu học sinh có hiểu được, những câu chuyện ở đây chia sẻ từng chi tiết nhỏ hàng ngày khi kế hoạch bài giảng bị thất bại để cố gắng tiếp cận với những học sinh không chịu học. Dù thế, bất cứ lúc nào những người giáo viên vẫn luôn kiên trì với sứ mệnh của mình để dạy dỗ học sinh từ “những em khó bảo nhất”.

Đằng sau những mong đợi, những khó khăn là cả những sự nỗ lực rất nhiều. Để học sinh của họ có cảm hứng học thì nội dung bài học của họ luôn phải gần gũi với các em. Họ phải nỗ lực tìm những nét tương đồng của cuộc sống với bài học để thu hút sự chú ý của học sinh. Để khiến học sinh của mình lắng nghe, họ đã sử dụng những phương pháp mới và sáng tạo mà không phải lúc nào cũng dùng đến sách giáo khoa hoặc các bài kiểm tra. Đó chính là những giây phút họ luôn cố gắng đạt được, những giây phút khiến họ cảm thấy quyết định trở thành giáo viên là đúng đắn.

Nhưng cố gắng ấy dù lớn lao thế nào thì cũng có một thời điểm, mọi giáo viên đều nghĩ mình đã chịu đựng quá mức giới hạn. Những suy nghĩ đó không phải vì họ không yêu nghề mà vì những áp lực mà họ phải chịu khó có ai hiểu được. Thất bại không phải là điều mà họ muốn nhưng nó luôn ở đó, rình rập, chờ đợi thời cơ để giáng xuống ngay cả những giáo viên nhiều kinh nghiệm nhất. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục với công việc trồng người này. Trái tim của một giáo viên thật kiên cường, thế nên khi đối mặt với khó khăn này, họ đã học cách vượt qua.

Giáo viên sống vì những giây phút khi học sinh của họ “hiểu ra”. Khi có gì đó loé lên trong đầu học sinh và đột nhiên các em muốn nói chuyện với họ, đó là khi bóng đèn bật sáng, là những giây phút sống lại quyết tâm trở thành giáo viên của họ. Với một chút sức lực, sự hi sinh và rất nhiều kiên nhẫn, những giáo viên đã được “thưởng” khi biết rằng mình đã truyền lại ngọn đuốc cho học sinh. Cuối cùng, mục đích duy nhất của họ là khuyến khích, động viên học sinh học tập và đạt kết quả xuất sắc bằng chính khả năng của mình. Họ cố gắng truyền cho học sinh sức mạnh trong mỗi bài giảng bởi vì họ biết rồi mai này khi học sinh tốt nghiệp, chúng cần những kiến thức mà họ truyền đạt để dẫn đến thành công.

Cuốn sách này được viết từ góc nhìn của các thầy cô giáo - những người đã mở ra cánh cửa cho tất cả chúng ta thấy công việc của họ khó khăn dường nào. Họ đã trả lời cho những người có thành kiến, thường nghi vấn về sự khắc nghiệt của nghề giáo, những điều mà tôi viết không thể lột tả hết được. Đây là nhịp sống thực sự của một giáo viên, nó không chỉ gói gọn trong thời gian từ tháng chín năm trước đến tháng sáu năm sau, hay từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều. Nó không bao giờ có sự giới hạn về thời gian.

Về cuốn sách này, Erin Gruwell đã viết: “Tôi rất hi vọng cuốn sách này sẽ đến được với người giáo viên mà bạn yêu quý nhất, rằng mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một phần cuộc đời mình qua những trang sách này. Tôi hi vọng bạn sẽ cảm thấy cảm thông và yêu kính các nhà giáo dục. Và tôi hi vọng những người đang làm thầy sẽ nhìn thấy mình trên gương mặt những đồng nghiệp dũng cảm đã chia sẻ những điều không yên ổn trong lớp học và những chiến thắng nhỏ nhoi họ dành được”. Chính vì vậy,Người gieo hi vọng” không chỉ là lời tụng ca về một nghề cao quý mà thật sự các phương pháp sư phạm ở đây đã giúp cho những người làm Thầy thành công trong sự nghiệp trồng người. Mặt khác, nó còn giúp cho những người làm cha mẹ. Không hiểu con, không tôn trọng trẻ em thì không thể giáo dục và giúp đỡ các em. Lối giáo dục áp đặt ở các nhà trường và trong từng gia đình đã làm thui chột nhiều tiềm năng của trẻ. Do đó, cuốn sách Người gieo hi vọng nên được phát hành rộng rãi, không chỉ đến với các trường học, các thầy cô giáo mà phải đến tận tay các bậc cha mẹ.

Có lẽ tất cả học sinh và cả những người đã từng là học sinh cũng đã từng có một lần ấm ức với giáo viên của mình. Nhưng tôi tin chắc khi bạn cầm cuốn sách này trên tay bạn sẽ cảm nhận được tất cả sự hi sinh, vất vả mà người giáo viên phải chịu đựng kể cả những điều bạn không bao giờ nghĩ tới. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những người học sinh đang đọc cuốn sách này sẽ phần nào hiểu ra, cảm thông được và đặc biệt hơn là thay đổi chính bản thân họ dù sớm hay muộn.

Cuốn sách này không phải là một cuốn sách đạt giải thưởng của thế giới nhưng nó sẽ khiến bạn phần nào hiểu hơn cuộc sống của những người đang dạy bạn. Đây không chỉ là một tác phẩm sâu sắc về mặt nội dung, mà nó còn thay đổi suy nghĩ của mỗi chúng ta về cuộc đời con người, về những người giáo viên. Đọc cuốn sách này, các bạn sẽ không khỏi có những phút giây lắng đọng, để nhìn lại mình, để hiểu thêm về những người thầy, người cô của mình và tự biết điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của mình.

Bài viết: Phạm Hà Thanh - Nguyễn Thu Hà (10D4)

Ảnh: Sưu tầm