GIÁO DỤC LÒNG NHÂN ÁI CHO HỌC SINH – MỘT NỘI DUNG QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP

(Bài tham luận đọc trong Hội nghị Giáo viên chủ nhiệm toàn quốc năm 2008 của cô giáo, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Anh)




A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Một lần tới thăm nhà học sinh, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy dòng chữ được viết in đậm trên giá sách Kẻ mạnh là kẻ biết dẫm lên vai người khác. Câu văn nổi tiếng trong tác phẩm Đời Thừa của nhà văn Nam Cao đã được học sinh của tôi biên tập lại với nội dung sai lệch thể hiện đức tính hẹp hòi, ích kỉ của các em.

Trong các nhà trường đang nổi lên vấn đề một số học sinh sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn bằng đánh nhau. Mặc dầu không phổ biến nhưng những hiện tượng này đã phá đi không khí thanh bình của nhà trường, tạo nên nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Nhìn rộng ra ta sẽ thấy một thực tế: kinh tế phát triển, thu nhập của mỗi người dân Việt Nam ngày càng tăng. Ở nhiều gia đình sự đáp ứng quá mức của bố mẹ đối với các đòi hỏi của con cái có ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình giáo dục học sinh của nhà trường. Ở trường học xuất hiện ngày càng nhiều học sinh chỉ quen đòi hỏi, sống thiếu trách nhiệm với bản thân và thiếu sự chia sẻ với bạn bè và cộng đồng. Trong lớp học, khi trả bài kiểm tra, giáo viên bộ môn dễ dàng bắt gặp những ánh mắt không vui của học sinh dành cho bạn bè khi biết bạn được điểm cao hơn mình...

Những biểu hiện trên cho ta thấy: vấn đề nổi cộm trong nhà trường phổ thông hiện nay (đặc biệt là các trường ở thành phố) ngày càng có nhiều học sinh sống vô cảm, ích kỉ, thiếu lòng nhân ái. Vậy làm thế nào để hình thành lối sống có trách nhiệm, biết giúp đỡ, sẻ chia trong cộng đồng cho học sinh, là một trong những nhiệm vụ khó khăn mà giáo viên chủ nhiệm phải hoàn thành.


B. GIÁO DỤC LÒNG NHÂN ÁI CHO HỌC SINH

Quản lý tốt học sinh là công việc khó khăn đối với tất cả các Giáo viên chủ nhiệm. Xây dựng lớp chủ nhiệm thành 1 tập thể nền nếp, biết chia sẻ, biết ứng xử có văn hóa và có kết quả học tập tốt là một việc làm không dễ dàng. Bản thân tôi sau nhiều năm làm chủ nhiệm lớp đã rút ra cho mình một số kinh nghiệm như sau:


1. Nắm bắt đặc điểm của học sinh ngay từ đầu năm học
Ngay khi nhận lớp chủ nhiệm, tôi trăn trở làm thế nào để nhớ tên học sinh nhanh nhất, hiểu các em nhanh nhất. Việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu học sinh thông qua sơ yếu lí lịch với các nội dung như: ngày tháng năm sinh, nơi ở, sở thích, năng khiếu, nghề nghiệp của bố mẹ, là con thứ mấy trong gia đình có mấy con,... Nét tính cách của nhiều học sinh chịu tác động của hoàn cảnh gia đình. Những học sinh con một thường ích kỉ và quen được phục vụ, những học sinh là con cả thường tháo vát và nhường nhịn.

Tôi gần gũi để nói chuyện với học sinh trong các giờ ra chơi, giờ nghỉ. Tôi thường xuyên vào lớp giờ truy bài. Tôi cho các em số điện thoại và đề nghị các em có thể trao đổi với tôi bất kì lúc nào các em muốn. Trong thời gian ngắn tôi đã có thể biết được em nào nhà nghèo, em nào nhà ở xa trường học, em nào là con một, học sinh nào thiếu thốn tình cảm (chỉ ở với mẹ hoặc bố, cha mẹ làm ăn xa, mồ côi...)... Tôi cố gắng nhanh chóng nắm được tâm lý từng em để có biện pháp giáo dục tích cực, giúp học sinh khắc phục yếu điểm, phát huy mặt mạnh, từng bước khơi dậy lòng vị tha, sự chia sẻ, cảm thông trong học sinh, hình thành ở các em lòng nhân ái.

Tôi còn nhớ em Công là học sinh tôi đã chủ nhiệm. Trong con mắt của nhiều thày cô giáo em là một học sinh cá biệt vì rất ích kỉ, tự cho mình một đẳng cấp riêng so với các bạn, em thường xuyên không làm bài tập trước khi đến lớp. Nhưng khi nói chuyện với một số học sinh trong lớp tôi biết em vẽ rất giỏi và biết làm thơ khá hay, tôi coi đó là công cụ để khích lệ em phấn đấu học tốt hơn, sinh hoạt nền nếp hơn. Một thời gian sau Công đã có biểu hiện tiến bộ, em luôn cố gắng thể hiện sự nghiêm túc trước mặt tôi. Sự tiến bộ đó chưa nhiều nhưng tôi vui vì tôi đã làm được điều gì đó cho em.


2. Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp

Tôi đã phải tìm ra những HS nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng học tập tốt và được các bạn yêu mến để làm cán bộ lớp. Lớp trưởng lớp A11 khóa (2003 – 2006) tôi làm chủ nhiệm là một học sinh nhiệt tình và chu đáo. Khi tôi báo có học sinh lớp A5 chuyển sang, em đã chủ động chép thời khóa biểu mang đến cho bạn
Đây là thời khóa biểu của lớp mình, ngày mai bạn sang lớp nhé. Có một Lớp trưởng biết quan tâm, chia sẻ sẽ là hạt nhân kết nối các thành viên trong lớp.

Tôi luôn phân công trách nhiệm rõ ràng và hướng dẫn để cán bộ lớp biết phối hợp với nhau để hoàn thành các công việc được giao một cách hiệu quả. Tìm ra một đội ngũ cán bộ lớp tốt sẽ giúp tôi nhanh chóng nắm bắt được tình hình trong lớp học, để kịp thời uốn nắn những biểu hiện chưa tốt của học sinh, khen ngợi động viên những HS chăm ngoan học tập tiến bộ.

Để khuyến khích, động viên học sinh sống đẹp, hàng tuần trong qui định xét hạnh kiểm tôi có khen thưởng bằng cách cộng điểm cho những HS được điểm tốt, làm được việc tốt hoặc những HS có tiến bộ về kỷ luật và học tập. Trong giờ sinh hoạt lớp tôi hướng dẫn cán bộ lớp tổ chức bình bầu học sinh có hành vi ứng xử đẹp để khen thưởng trước lớp.


3. Học hỏi đồng nghiệp và phối hợp với giáo viên bộ môn

Mười tám năm đi dạy học, tôi được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp rất giỏi trong trong việc quản lí học sinh. Khi trong lớp tôi xuất hiện những học sinh chưa ngoan, tôi thường tìm gặp họ để tham khảo cách giải quyết. Sự tận tình, khéo léo trong công tác chủ nhiệm của nhiều đồng nghiệp luôn là tấm gương để tôi học tập. Việc phối hợp với GV bộ môn cũng vô cùng cần thiết trong việc hình thành nhân cách học sinh. Tôi thường xuyên trao đổi với GV bộ môn để nắm bắt được tình hình học tập của lớp, biết những HS có kết quả học tập tốt để kịp thời động viên, những HS có kết quả chưa tốt để đôn đốc kiểm tra thường xuyên và hướng dẫn các em cách học để có kết quả tốt hơn.

Tôi đã phối hợp với các giáo viên bộ môn trong việc giáo dục lòng nhân ái cho học sinh. Tôi đề nghị giáo viên môn Tiếng Anh cho học sinh viết những bài luận với chủ đề thể hiện lòng nhân ái. Tôi xin phép giáo viên môn Văn được đọc những bài văn nghị luận xã hội có nội dung giáo dục lòng nhân ái như: Lá lành đùm lá rách”... Đọc những bài văn của các em tôi thêm hiểu về quan điểm sống của các em, kiến thức văn học của các em để có phương pháp quản lí thích hợp.

Phối hợp thường xuyên với GV bộ môn giúp tôi biết được thái độ học tập và ứng xử của học sinh trong tất cả các tiết học. Tôi luôn ý thức rằng đồng bộ trong công tác quản lý và truyền thụ kiến thức cho HS là nhân tố quan trọng để nâng cao kết quả giáo dục.


4. Phối hợp với phụ huynh học sinh

Việc quản lí HS của GV chủ nhiệm sẽ có hiệu quả hơn nếu có sự phối hợp kịp thời giữa phụ huynh HS và GV chủ nhiệm. Sau mỗi tháng tôi thường gửi thông báo kết quả hạnh kiểm và bảng điểm của HS về gia đình. Tôi thông báo cho phụ huynh học sinh biết những thành tích nổi bật trong học tập, những việc làm tốt của học sinh để bố mẹ các em kịp thời khen ngợi con mình. Việc tổng hợp kết quả học tập và tu dưỡng của học sinh làm mất nhiều thời gian của tôi song phụ huynh HS sẽ kịp thời nắm được tình hình rèn luyện đạo đức và kết quả học tập của con em mình từ đó có kế hoạch đôn đốc HS học tập và uốn nắn các em về giao tiếp. Việc cập nhật thông tin của con em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Việc làm của tôi đã tạo được niềm tin của phụ huynh đối với nhà trường.

Trong các phiếu thông báo kết quả học tập của học sinh có phần nhận xét của phụ huynh. Tôi đề nghị phụ huynh học sinh nhận xét chi tiết việc học tập và ứng xử của con em mình trong gia đình để tôi nắm được. Qua đó, tôi có thể khen ngợi hoặc đưa ra những giải pháp uốn nắn riêng cho từng em.

Nhiều phụ huynh học sinh hiện nay chỉ lo cung ứng về mặt vật chất nhưng thiếu sự gắn kết, gần gũi vì không hiểu tâm tư nguyện vọng của con cái. Vì vậy trong các buổi họp phụ huynh tôi chủ động trao đổi để thống nhất cách quản lí và động viên con cái. Em Nhất quê ở Vĩnh Phúc là học sinh lớp tôi chủ nhiệm năm học 2009-2010. Đầu năm học, em rất hay đánh điện tử, không bao giờ gọi điện về thăm nhà, kết quả học tập của em sa sút, có lần tôi phải ra cửa hàng điện tử để tìm em về. Tôi đã gọi điện về Vĩnh Phúc trao đổi với gia đình Nhất để lên kế hoạch giúp đỡ em. Thời gian sau đó Nhất đã tiến bộ rất nhanh. Tôi được biết bố Nhất đã nói với em Mỗi ngày vào lúc 7 giờ tối con gọi điện thoại về nhà nhé. Bố chờ điện thoại của con. Con chỉ cần nói cho bố biết con có khỏe không, con có khó khăn gì không. Bố mẹ ngày nào cũng muốn biết tin tức của con, con là tất cả niềm hy vọng của bố mẹ... Những ngày cháu quên gọi điện, anh chị ấy chủ động gọi điện thoại cho con. Chính thái độ quan tâm của bố mẹ là động lực làm em Nhất thay đổi.

Với những học sinh có nhiều biểu hiện tiêu cực trong ứng xử, tôi chủ động gặp gỡ phụ huynh để bàn cách phối hợp giáo dục các em. Nhiều phụ huynh ngạc nhiên khi tôi cho họ biết con họ không biết họ làm việc ở đâu, cháu rất ghét em gái vì cho rằng em được bố mẹ yêu quí hơn. Sau đó cũng chính chị phụ huynh ấy xúc động kể với tôi là con trai thấy mẹ làm việc khuya đã mắc màn cho mẹ. Những cử chỉ quan tâm rất nhỏ ấy từ một cậu bé vốn ích kỉ đã làm cho bà mẹ ấy rất hạnh phúc.

Như vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa tôi và gia đình học sinh luôn đem lại những kết quả khả quan.


5. Quản lí học sinh

Ngay từ đầu năm học tôi tổ chức cho học sinh trong lớp tự xây dựng nội qui của lớp. Nội qui do các em xây dựng một cách dân chủ và thẳng thắn nên các em sẽ tự giác hơn khi thực hiện nội qui lớp học.

Tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các giáo viên bộ môn, tổ chức Đoàn thanh niên, giám thị, bảo vệ... để biết những vấn đề xảy ra với lớp và có các biện pháp uốn nắn kịp thời những hành vi chưa đẹp của học sinh.

Ở trường Nguyễn Tất Thành nơi tôi chủ nhiệm có nhiều học sinh từ các tỉnh xa đến Hà Nội học. Đối với những HS ở nhà trọ tôi thường dành sự quan tâm, động viên nhiều hơn, có dịp thì tới nhà trọ thăm các em, nhất là khi các em bị ốm. Tôi luôn cập nhật số điện thoại khi các em thay đổi nơi trọ để dễ liên hệ. Vì thiếu sự giám sát của bố mẹ nên nếu không có tính tự giác các em dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn như: chơi điện tử, chơi bi a, lên mạng Internet để chat, sớm có bạn khác giới... Sự quan tâm của GVCN sẽ giúp các em tránh được những thói hư tật xấu ngoài xã hội. Nhiều học sinh đã xúc động trước sự quan tâm của cô giáo chủ nhiệm mà từ đó sống có trách nhiệm hơn.

Khi trong lớp có những học sinh thường dùng cách ứng xử bạo lực với bạn bè, tôi thường tìm hiểu nguyên nhân, liên hệ với gia đình và luôn kiên nhẫn thuyết phục để các em biết quí trọng cuộc sống, biết tôn trọng bạn bè. Khi biết học sinh có thể đánh nhau tôi thường phối hợp với phụ huynh học sinh và các đoàn thể ngăn chặn kịp thời.

Giờ sinh hoạt lớp là thời gian tôi có nhiều cơ hội để giao lưu với tất cả các học sinh trong lớp. Tôi luôn cố gắng đa dạng hóa nội dung các giờ sinh hoạt lớp. Ngoài việc tổng kết, đánh giá kết quả học tập và kỉ luật trong tuần, nội dung các buổi sinh hoạt lớp còn được tổ chức dưới dạng thảo luận theo các chủ đề: Thế nào là một người bạn chân thành; Làm thế nào để học tốt môn Hóa; Bạn nghĩ gì về các biểu hiện vô cảm trong giao tiếp; Nêu định nghĩa:Thế nào là thành công”...

Tôi tổ chức cho các em trao đổi về câu chuyện điển hình trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ: hai học sinh ở Nghệ An vì cứu người mà bỏ thi tốt nghiệp...

Học sinh lớp tôi đã trao đổi rất sôi nổi ý nghĩa của câu: “Khi con sinh ra, mọi người đều cười, riêng mình con khóc. Con hãy sống làm sao để khi con ra đi, mọi người đều khóc, còn trên môi con thì nở nụ cười.

Tôi thường kể chuyện cho học sinh lớp tôi nghe về những tấm gương học sinh cũ biết giúp đỡ người khác, biết vượt qua những thất bại để chiến thắng chính mình.

Giờ sinh hoạt lớp tôi đã rất thú vị khi ban cán sự lớp tổ chức cuộc thi ứng xử để tìm Nam vương và hoa hậu của lớp. Cá nhân tôi và các học sinh trong lớp rất ngạc nhiên trước những câu trả lời rất sâu sắc thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh của các em khi tham gia. Đôi khi cũng được những trận cười nghiêng ngả vì những câu trả lời ngộ nghĩnh, ngây ngô của một vài em.

Tôi thường nói với các em: “Có một thứ không nên tiết kiệm, đó là tình cảm, sự quan tâm dành cho mọi người. Nếu mỗi chúng ta biết cách trao đi yêu thương từ những hành động rất nhỏ thì hạnh phúc của người nhận sẽ lớn vô bờ.

Để các giờ sinh hoạt lớp có hiệu quả tôi luôn chủ động lập kế hoạch nội dung trước đó, lựa chọn học sinh tham gia phù hợp với khả năng của các em và luôn khích lệ sự sáng tạo của các em để giờ sinh hoạt lớp vừa vui vừa hiệu quả. Tôi luôn chú ý tạo không khí cởi mở, tự nhiên, để buổi thảo luận không trở nên khô cứng, hình thức. Tiêu chí mà tôi luôn luôn nhớ là: Học sinh luôn có nhu cầu muốn khẳng định, muốn được thể hiện, mong muốn khám phá các năng lực của bản thân và muốn phát huy những năng lực, sở trường của mình về một số lĩnh vực nào đó.


6. Tạo uy tín của giáo viên chủ nhiệm với học sinh

Muốn nói mà học sinh nghe, muốn học sinh là những con người nhân ái, trước hết giáo viên chủ nhiệm phải là tấm gương cho các em học tập. Tôi đã cố gắng xây dựng uy tín của bản thân trước học sinh.

Tôi luôn ý thức được rằng trình độ chuyên môn của giáo viên chủ nhiệm là một trong những yếu tố quyết định uy tín của giáo viên chủ nhiệm. Tôi dành nhiều thời gian để thiết kế các bài dạy sao cho dễ hiểu và hấp dẫn học sinh. Mỗi khi vào lớp, tôi mong chờ ánh mắt tin yêu của các em dành cho tôi. Chính tình yêu học trò, tình yêu nghề giúp tôi phấn đấu nhiều hơn trong giảng dạy. Suốt đời tôi không quên cảm giác hạnh phúc khi tôi nhận được danh hiệu giáo viên giỏi thành phố Hà Nội.

Tôi luôn học hỏi để nâng cao khả năng tổ chức các hoạt động tập thể, tôi phấn đấu trở thành cố vấn cho các em trong việc xây dựng các tiết mục văn nghệ, làm báo tường, tập kịch... Khi trường tổ chức thi làm báo tường, tôi chụp ảnh những sản phẩm được giải cao và tìm hiểu sự sáng tạo trong mỗi tờ báo để năm sau có thể tư vấn cho học sinh làm ra những sản phẩm sáng tạo hơn. Khả năng tổ chức các hoạt động tập thể giúp tôi gần gũi hơn với học sinh, chia sẻ với các em nhiều hơn và góp phần thành công trong việc tổ chức các hoạt động đánh thức lòng nhân ái trong học sinh.

Đối xử công bằng là đức tính rất quan trọng mà tôi luôn ý thức. Lứa tuổi học sinh phổ thông luôn đòi hỏi ở giáo viên chủ nhiệm sự công bằng. Tôi luôn nghi nhớ điều đó trong các ứng xử với học sinh từ việc to đến việc nhỏ.

Tôi luôn thể hiện tình cảm của tôi đối với học sinh, tôi chủ động đến thăm nhà những học sinh có biểu hiện tiêu cực trong học tập và giao tiếp. Sự kiên nhẫn, lòng vị tha luôn là vũ khí giúp tôi thành công trong việc giáo dục học sinh cá biệt. Em Dũng quê ở Thái Bình trong lớp tôi chủ nhiệm được gọi là Dũng Gấu, em tiếp thu bài nhanh song rất cục cằn trong giao tiếp với các bạn trong lớp. Nhiều lần em nói trước lớp Cần gì phải có bạn, cứ có nhiều tiền là hạnh phúc... Không học sinh nào trong lớp tôi thích ngồi cạnh Dũng. Tôi đã đến thăm nhà em, nói chuyện với em nhiều lần, bàn bạc với bố mẹ em để uốn nắn Dũng nhưng em thay đổi rất chậm. Đầu năm lớp 11, tôi phát hiện em tham gia đánh bạc. Chỉ trong 2 tuần em đã thua mất 9,3 triệu đồng, em đã vay tiền của rất nhiều học sinh trong trường. Hội Đồng kỷ luật của trường họp và có nhiều ý kiến muốn đuổi học Dũng. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì biết nếu em bị đuổi học, có thể em sẽ hỏng hẳn. Tôi đã xin cho Dũng được ở lại lớp, vẫn kiên trì, mềm mỏng thể hiện cho em thấy tôi lo lắng, quan tâm và mong mỏi em tiến bộ. Tôi đề nghị học sinh trong lớp và bố mẹ Dũng quan tâm nhiều hơn tới em. Khi em phạm lỗi, tôi trực tiếp trao đổi với các em bằng một thái độ dứt khoát và lời lẽ có lý, có tình. Thái độ ân cần của tôi, tình cảm của bạn bè và người thân đã làm Dũng sống hòa đồng, cởi mở và chăm học hơn. Tháng 8 vừa rồi, Dũng đã gọi điện thoại báo cho tôi biết em đã đỗ vào trường Đại học Thương mại. Tôi đã rất hạnh phúc khi nghe thông tin này.

Tôi luôn phấn đấu sống mẫu mực từ cử chỉ, nói năng, đi đứng, ăn mặc đến thái độ cư xử với những người xung quanh. Khi tiếp xúc với học sinh tôi luôn nở nụ cười tươi, thân thiện. Học sinh lớp ngôn ngữ đã tặng tôi danh hiệu Nguyễn Thị Thu Anh as Nice Smile Award – Giải thưởng người có nụ cười thân thiện.


C. KẾT LUẬN


1. Bài học kinh nghiệm của bản thân

Khi lòng nhân ái thật sự được hình thành ở mỗi cá nhân học sinh thì lớp học sẽ trở thành ngôi nhà chung của mọi tính cách, mọi năng lực học tập. và mỗi ngày đến lớp sẽ là một ngày vui của các thành viên trong lớp học. Những học sinh kiêu căng, ích kỷ cũng dần thay đổi tính cách để phù hợp với bạn bè trong lớp.

Tôi thấy, giáo dục lòng nhân ái không chỉ có ý nghĩa về mặt giáo dục đạo đức mà góp phần quan trọng trong việc nâng cao kết quả học tập. Sự chia sẻ tài liệu môn học giữa các học sinh trong lớp; sự trao đổi cởi mở về phương pháp học bộ môn; sự tận tình giảng bài cho bạn;... là những nhân tố quan trọng trong việc hình thành phong trào thi đua học tập trong lớp.

Tôi đã làm công tác chủ nhiệm bằng cả trách nhiệm của một giáo viên nhiệt tình và bằng tất cả tình cảm của một người mẹ. Tôi biết con cái và sự thành đạt của chúng là niềm hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ. Những học sinh có lòng nhân ái sẽ không chỉ là những đứa con ngoan, hiếu thảo, những người bạn tốt biết chia sẻ mà hơn hết các em sẽ trở thành những học sinh luôn biết phấn đấu trong học tập và tu dưỡng để làm hài lòng thày cô và bố mẹ.

Sự thành công trong việc hình thành lòng nhân ái cho học sinh sẽ đem lại hiệu quả to lớn về nhiều mặt giáo dục. Các em học sinh sẽ tự hoàn thiện mình; Nhà trường sẽ có một không gian văn hóa đúng mực; Phụ huynh học sinh sẽ luôn có niềm tin với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, góp phần làm giảm bớt tệ nạn ngoài xã hội

Hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi gặp khó khăn các em học sinh của tôi luôn tìm tới tôi để chia sẻ, để nhờ tôi giúp đỡ. Cậu bé học sinh năm nào với định nghĩa sai lệch về “kẻ mạnh” bây giờ đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Đó là cậu học sinh thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe của tôi, là người bạn nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ bạn bè. Em nói với tôi trong một lần họp lớp Trên tất cả trong cuộc sống này là tình yêu thương con người cô ạ !


2. Kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả việc giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, tôi có những kiến nghị sau:

- Ban Giám hiệu tổ chức các hội thảo dành cho phụ huynh học sinh với nội giáo dục lòng nhân ái cho con em.

- Nhà trường cần mở các lớp tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm lớp nhằm:

+ Cung cấp kỹ năng nhận diện khoa học về tính cách, tâm lý của từng học sinh.

+ Cung cấp kỹ năng tổ chức các hoạt động giúp học sinh khám phá những ưu điểm, tiềm năng của mình đồng thời khắc phục những yếu điểm trong giao tiếp, ứng xử, hoạt động nhóm,…

- Nhà trường cần thường xuyên tổ chức những buổi thảo luận trao đổi về chủ đề ứng xử cho học sinh: đưa ra các tình huống cụ thể thường gặp trong cuộc sống để các em tự rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân. Tổ chức các trò chơi, các cuộc thi để hướng học sinh vào những hoạt động lành mạnh, tránh xa tệ nạn và các hành vi bạo lực ngoài xã hội...

Mặc dù đã chủ nhiệm nhiều thế hệ học sinh song tôi nghĩ giáo viên chủ nhiệm cần luôn luôn học hỏi, học từ bạn bè đồng nghiệp, từ nhưng câu chuyện trong cuộc sống, và phải học suốt đời vì các tình huống sư phạm luôn muôn hình muôn vẻ. Chúng ta có quyền mơ ước xây dựng những trường học thân thiện, học sinh tích cực mà ở đó các em luôn biết cùng rung cảm một cách chân tình và sâu xa với thày cô giáo, bạn bè và người thân.

Tôi mong nhận được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp.

Xin trân trọng cám ơn!

Hà Nội, ngày 28/9/2008

Người viết tham luận

Nguyễn Thị Thu Anh