VTV.vn - Cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội được coi là người đi tiên phong trong việc phát triển chương trình nhà trường.




Năm 2013, từ khi đảm nhiệm trọng trách Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh luôn tâm huyết với kế hoạch xây dựng đi đôi với phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường và đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ và xây dựng trường học mở, an toàn, chuyên nghiệp, chia sẻ tối đa.

Trong 3 năm qua, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước trong việc phát triển chương trình nhà trường trong bối cảnh các nhà trường phổ thông được chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.


Gặp cô hiệu trưởng tiên phong phát triển chương trình nhà trường - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh luôn tâm niệm, phải luôn nỗ lực hết sức mình để trở thành những người có giá trị với các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Hàng loạt chuyên đề, chủ đề hội thảo được cô và Hội đồng Sư phạm trường tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo các thầy cô giáo như hoạt động "Nghiên cứu bài học", "Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học", "Tập huấn về kĩ thuật dạy học bàn tay nặn bột", "Tập huấn về kỉ luật không nước mắt"…

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển chương trình giáo dục nhà trường – kinh nghiệm thực tiễn ở trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành", TS Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt biểu dương những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Chương trình nhà trường của trường Nguyễn Tất Thành.

"Trường Nguyễn Tất Thành đã biết tận dụng các nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục của nhà trường, biết gắn kết trường phổ thông với đào tạo sinh viên sư phạm để "học" đi đôi với "làm". Thành tích của trường Nguyễn Tất Thành khẳng định vị trí đi đầu và đạt kết quả tốt nhất về phát triển Chương trình nhà trường trong cả nước. Những việc nhà trường đã, đang thực hiện là điểm sáng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong toàn quốc, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông và đào tạo sư phạm", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định.


Gặp cô hiệu trưởng tiên phong phát triển chương trình nhà trường - Ảnh 2.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh tập huấn cho các giáo viên ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
(Ảnh: NVCC)

Trân trọng và phát huy những giá trị của thế hệ trước, cô Thu Anh cùng các đồng nghiệp tiếp tục hoàn thiện và phát triển chức năng của trường thực hành sư phạm Nguyễn Tất Thành, lấy mục tiêu phát triển toàn diện năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường làm trọng tâm.

Cô tâm sự: "Đã làm việc gì thì toàn tâm, toàn ý, suy nghĩ để làm cho tốt, phải làm đến cùng, làm cho được dù đó là công việc nhỏ nhất".


Gặp cô hiệu trưởng tiên phong phát triển chương trình nhà trường - Ảnh 3.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh nhận bằng khen trong lễ tôn vinh nhà giáo tiêu biểunăm học 2015-2016 (Ảnh: NVCC)

Với những đóng góp đặc biệt trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Anh đã vinh dự trở thành 1 trong số 126 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm học 2015-2016 và nhận được Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ cảm xúc khi được tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu, cô Thu Anh bày tỏ vui mừng bởi ngoài cá nhân cô, tập thể trường Nguyễn Tất Thành cũng nhận được Bằng khen.


Gặp cô hiệu trưởng tiên phong phát triển chương trình nhà trường - Ảnh 4.

"Tôi rất vui khi được Bộ GD&ĐT tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu còn tập thể trường Nguyễn Tất Thành cũng được tặng Bằng khen tập thể xuất sắc toàn quốc. Điều này cho thấy, những cố gắng của cá nhân tôi và tập thể Hội đồng giáo dục Trường Nguyễn Tất Thành đã được ghi nhận. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa để phát triển trường thực hành sư phạm mang tên Bác Hồ kính yêu.

Tôi luôn nói với học sinh trường Nguyễn Tất Thành rằng: Các em có thể không là người giỏi nhất nhưng các em hãy luôn là những người cố gắng nhất trong học tập và biết thể hiện sự quan tâm nhất tới cha mẹ, người thân, bạn bè và cộng đồng’’ - cô Thu Anh vui mừng cho biết.


Khánh Nguyễn


Nguồn:
Link bài viết gốc