(GDVN) - Cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành mà một trong những người đi tiên phong trong việc phát triển chương trình nhà trường.

Năm 2013, cô Nguyễn Thị Thu Anh tiếp nhận vai trò quản lý trường Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội.

Bốn năm qua, cô Thu Anh luôn tâm huyết với kế hoạch xây dựng đi đôi với phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường và đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và xây dựng trường học mở, an toàn, chuyên nghiệp, chia sẻ tối đa.

Trong 3 năm học vừa qua, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước trong việc phát triển chương trình nhà trường và nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng khẳng định: trường Nguyễn Tất Thành là trường phát triển chương trình nhà trường tốt nhất cả nước.


Cô hiệu trưởng miệt mài với những việc làm đổi mới trong trường học (Ảnh: Thùy Linh)

Cô Thu Anh kể, năm 2013, khi bắt đầu triển khai đề án trường thực hành phát triển theo năng lực học sinh theo định hướng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, kể từ đó đến nay, cô và và Hội đồng Sư phạm trường tổ chức nhiều chuyên đề, chủ đề hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy cô.

Ví như hội thảo "Nghiên cứu bài học", "Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học", "Tập huấn về kĩ thuật dạy học bàn tay nặn bột"…

Vị Hiệu trưởng này nhớ lại: Khi bắt đầu triển khai, dựa vào chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, mỗi tổ chuyên môn tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa để xây dựng chương trình các môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo bối cảnh của nhà trường. 

 “Chúng tôi chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học.

Học sinh được tạo điều kiện để bày tỏ quan điểm của bản thân trước tập thể, trong các giờ học. Ngoài ra, còn đổi mới kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực.

Chú trọng đánh giá quá trình dạy học, qua phiếu đánh giá, thống nhất các yêu cầu về ma trận đề kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống”, cô Thu Anh nhấn mạnh. 

Cô Thu Anh chia sẻ: “Giai đoạn đó cũng là thời điểm khó khăn nhất bởi tài liệu mình đọc để học hỏi là tài liệu quốc tế. Trong khi yêu cầu các giáo viên xây dựng lại chương trình có nghĩa là tăng thời lượng công việc mà lương không tăng. 

Nhiều đêm muộn anh em trong tổ bộ môn vẫn ngồi lại với nhau để nghiên cứu bài học. Những tranh luận gay gắt để có được những bài học phù hợp thực tiễn.

Nay, việc phát triển chương trình trong trường học phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục đã khá đồng bộ. Nghĩ lại vẫn thấy mình liều. Nếu quay lại tôi sợ mình không dám làm như thế nữa”.

Kể từ đó đến nay cô Thu Anh cùng các đồng nghiệp tiếp tục hoàn thiện và phát triển chức năng của trường thực hành sư phạm Nguyễn Tất Thành, lấy mục tiêu phát triển toàn diện năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường làm trọng tâm.

Cô tâm sự: "Đã làm việc gì thì toàn tâm, toàn ý, suy nghĩ để làm cho tốt, phải làm đến cùng, làm cho được dù đó là công việc nhỏ nhất".

Với những đóng góp đặc biệt trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Anh đã vinh dự trở thành 1 trong số 126 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm học 2015-2016 và nhận được Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Chia sẻ cảm xúc khi được tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu, cô Thu Anh bày tỏ:

"Tôi rất vui khi được Bộ GD&ĐT tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu còn tập thể trường Nguyễn Tất Thành cũng được tặng Bằng khen tập thể xuất sắc toàn quốc.

Điều này cho thấy, những cố gắng của cá nhân tôi và tập thể Hội đồng giáo dục trường Nguyễn Tất Thành đã được ghi nhận.

Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa để phát triển trường thực hành sư phạm mang tên Bác Hồ kính yêu.

Tôi luôn nói với học sinh trường Nguyễn Tất Thành rằng: Các em có thể không là người giỏi nhất nhưng các em hãy luôn là những người cố gắng nhất trong học tập và biết thể hiện sự quan tâm nhất tới cha mẹ, người thân, bạn bè và cộng đồng”. 

Thùy Linh