Chủ nhật (17/2/2019), các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ, công nhân viên của Nhà trường đã tham gia chuyến du xuân đến Đại học Anh Quốc Việt Nam (Bristish University Vietnam - BUV) tại Ecopark để tham gia tập huấn, trải nghiệm giáo dục sáng tạo thế kỉ XXI trên nền tảng Công nghệ thông tin. Chuyến đi đã giúp các thầy, cô giáo có thêm những kiến thức về công nghệ, đáp ứng nhu cầu đổi mới và ứng dụng công nghệ trong giáo dục.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động tới mọi mặt của cuộc sống và mang đến cho nhân loại nhiều cơ hội cũng như thách thức. Giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng 4.0. Trong kỉ nguyên số hóa, nền giáo dục thay đổi một cách sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò người dạy, tâm thế người học đến phương pháp dạy học. Ý thức được điều đó, các thầy, cô giáo của mái trường mang tên Bác đã cùng nhau tham gia buổi tập huấn với sự say mê, tinh thần cầu thị, ham học hỏi.

Mở đầu buổi tập huấn, Thầy Nguyễn Thành Trung – Cố vấn giáo dục Microsoft Toàn cầu đã gửi lời chào nồng nhiệt nhất tới tất cả các thầy, cô giáo. Anh cũng giới thiệu những đại diện của trường BUV, các diễn giả trong buổi tập huấn, nội dung tập huấn và hi vọng các thầy, cô trường Nguyễn Tất Thành có khoảng thời gian đáng nhớ, ý nghĩa.


Thầy Nguyễn Thành Trung giới thiệu tới các thầy cô mục đích của buổi tập huấn


Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh (thứ 2 từ trái sang) - Hiệu trưởng Nhà trường
gửi tặng đại diện trường BUV, các diễn giả những món quà kỉ niệm


Toàn cảnh buổi tập huấn

Mở đầu buổi tập huấn, thầy Nguyễn Văn Nam (Trưởng phòng ứng dụng CNTT trường song ngữ liên cấp Wellspring - Chuyên gia dự án YDI Microsoft) giúp các thầy giáo, cô giáo hiểu rõ hơn về khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như ảnh hưởng của nó đến giáo dục.


Thầy Nguyễn Văn Nam trao đổi về vai trò của Công nghệ trong giáo dục


Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ về những tác động tiêu cực
của công nghệ tới đời sống của con người

Thầy Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh trong kỉ nguyên số, hơn bao giờ hết, vai trò của người thầy có sự thay đổi mạnh mẽ. Vai trò người giáo viên có sự chuyển biến từ truyền thụ kiến thức theo lối truyền thống sang vai trò là người điều phối, thiết kế, cố vấn, gợi mở cho học sinh. Công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và cách học, đặc biệt, phương pháp dạy học cần được cải tiến mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, thầy chỉ rõ sự thay đổi của giáo dục khi có sự tác động của công nghệ. "Giáo dục 4.0" được đánh dấu bằng sự thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức một chiều sang cá nhân hóa học tập, trao quyền cho học sinh sáng tạo, giúp học sinh chủ động trong học tập. Từ đó, giáo viên trong thời đại này cần sẵn sàng đổi mới phương pháp giảng dạy để phát triển những năng lực cần thiết cho học sinh.

Tiếp theo, Th.S Nguyễn Thị Phương (Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) giới thiệu tới các thầy, cô hệ thống quản lí học tập Gnomio. Đây là một trong những công cụ kết hợp học truyền thống trên lớp và học trực tuyến ở nhà, hỗ trợ các thầy, cô giáo tạo các khóa học cho học sinh, sinh đề thi, quản lí điểm của học sinh,…


Cô Nguyễn Thị Phương giới thiệu công cụ quản lí học tập Gnomio

Phần giới thiệu của cô Nguyễn Thị Phương đã kết thúc thời gian tập huấn buổi sáng đầy bổ ích và thú vị. Các thầy, cô giáo của trường Nguyễn Tất Thành đều rất háo hức và đón chờ các không gian trải nghiệm vào buổi chiều.

Phòng trải nghiệm đầu tiên mang tên “Không gian sáng tạo”. Công cụ PowerPoint đã rất quen thuộc với các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, để khai thác hết các tính năng của công cụ này khi xây dựng bài giảng thì chưa phải giáo viên nào cũng khai thác được tối đa. Vì vậy, thầy Nguyễn Văn Nam đã giới thiệu thêm cho các thầy cô những yếu tố nền tảng để tạo được bài thuyết trình PowerPoint chuyên nghiệp.


Các thầy, cô giáo rất tập trung trong phòng trải nghiệm PowerPoint

Ở không gian trải nghiệm thứ 2, với sự những hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Phương, các thầy, cô giáo của mái trường tên Bác được trực tiếp xây dựng một trang web quản lí học tập cho riêng mình. Các thầy, cô vô cùng hào hứng và thích thú, và cũng gửi gắm vào đó hi vọng học sinh sẽ có thể truy cập trang web trong tương lai gần để các em chủ động, tích cực hơn trong học tập.


Các thầy, cô được thực hành tạo trang web học tập cho học sinh

Phòng trải nghiệm số 3 mang tên “Không gian Số hóa” với trải nghiệm Micro:bit – Công cụ sáng tạo trong dạy học giải quyết vấn đề - Computational Logical Thinking do cô Cao Hồng Huệ (Viện Công nghệ thông tin – Trường Đại học Hà Nội 2) hướng dẫn. Cô đã giới thiệu cụ thể về Giáo dục STEM, các thế mạnh của giáo dục STEM khi gắn lí thuyết với thực tế, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo cho học sinh. Bên cạnh đó, tư duy máy tính được cô đề cập đến với vai trò giúp người học xác đinh được vấn đề, đề xuất giải pháp và đưa ra quyết định lựa chọn giải pháp phù hợp. Cô cũng đã giới thiệu về Micro:bit – công cụ giúp học sinh có niềm vui với máy tính, từ đó, các em có thể sáng tạo và thiết kế các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống thực tiễn.


Phòng trải nghiệm Micro:bit


Cô giáo tận tình giới thiệu tác dụng và hướng dẫn cách sử dụng Micro:bit

Có thể nói, buổi tập huấn đã kết thúc, nhưng cảm xúc và ấn tượng trong mỗi thành viên của ngôi trường mang tên Bác vẫn còn đọng lại mãi bởi những điều lí thú và thiết thực mà nó mang lại. Hi vọng rằng các thầy, cô giáo sẽ được tham gia nhiều buổi tập huấn bổ ích trong thời gian sắp tới để có thể bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực sử dụng công nghệ nhằm phục vụ dạy học, đáp ứng những yêu cầu của cách mạng 4.0.

Bài và ảnh: Phóng viên NTT