Vào sáng ngày 09/12/2019, tại sân trường Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã diễn ra một sự kiện ý nghĩa - chương trình truyền thông sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh.

Để học sinh hiểu biết hơn về căn bệnh này, Ban Giám hiệu Nhà trường đã mời đến chương trình TS. Ngô Mạnh Quân – bác sĩ hiện đang công tác tại Viện huyết học truyền máu Trung ương. Bác sĩ đã có buổi trao đổi với học sinh và các thầy cô toàn trường về căn bệnh này.

Bác sĩ đã đặt những câu hỏi vô cùng thú vị và gián tiếp vào chủ đề chính như “Tại sao chúng ta bị cận thị?”. Hầu hết các bạn học sinh đều đưa ra một số lí do như: chơi trò chơi điện tử nhiều hay đọc sách, xem máy tính ở nơi thiếu ánh sáng,... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần lí do dẫn đến việc cận thị, ngoài ra còn rất nhiều lí do khác. Nhưng điển hình là 2 lí do: tật khúc xạ và bệnh cận thị. Tật khúc xạ là do chính mình gây ra, còn bệnh cận thị là do gen di truyền. Bác sĩ còn đặt ra một số câu hỏi như “Bạn có cao hơn bố mẹ không?” hay “Tại sao con sinh ra lại đẹp trai hơn bố hoặc xinh hơn mẹ?”. Tất cả các câu trả lời đều có chúng một nguyên nhân là do gen di truyền. Vì vậy, con có thể thừa hưởng những gen tốt hoặc gen xấu từ bố và mẹ.


Học sinh các khối giao lưu và trao đổi với bác sĩ


Các bạn học sinh hăng hái giơ tay tham gia trả lời câu hỏi của Bác sĩ


Bạn học sinh đặt câu hỏi cho bác sĩ về căn bệnh này

Trong số những bệnh do gen di truyền có bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia là một bệnh lí huyết học di truyền. Ở bệnh nhân tan máu bẩm sinh, các hồng cầu bị phá hủy quá mức dẫn đến tình trạng thiếu máu. Thiếu máu trong thời gian dài làm cho người bệnh mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da nhợt nhạt, xanh xao; trẻ chậm lớn.

Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia là bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng con người. 10%-12% người dân Việt Nam mắc căn bệnh này nhưng không biết. Ai cũng có thể mắc căn bệnh này nhưng chỉ khi đi xét nghiệm mới có thể phát hiện ra bệnh. Vì vậy, các bạn học sinh cần quan tâm để tìm cách phòng chống căn bệnh này.

Kết thúc chương trình, bạn Hoàng Phương Vy - học sinh lớp 6A2 chia sẻ cảm nghĩ của mình: “Sau buổi giao lưu ngày hôm nay, mình cảm thấy vô cùng hứng thú. Buổi giao lưu bổ ích đã giúp mình hiểu hơn về căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Mình mong Nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu như thế này nữa”.


Cô giáo Nguyễn Thị Hợp – Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn chân thành tới đại diện Bệnh viện Huyết học truyền máu TƯ và Trung tâm Y tế Quận Cầu Giấy

Tuy chương trình truyền thông chỉ diễn ra trong vòng 45 phút, nhưng hi vọng các thầy, cô giáo và các bạn học sinh sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về căn bệnh này, từ đó có thể đưa ra những biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bài viết: Đặng Minh Thu (6A2)

Ảnh: Nguyễn Ngọc Đoan Trang (8A1)