Nằm trong chuỗi hoạt động trải nghiệm dự án STEM của Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành, chiều thứ 6, ngày 23/3/2019 vừa qua, tại phòng 106, CLB Khoa học (SPC) đã tổ chức buổi trải nghiệm với chủ đề: “SỰ KÌ DIỆU CỦA HÓA HỌC”. Buổi sinh hoạt đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn học sinh trong và ngoài CLB.

Xuyên suốt buổi trải nghiệm, các bạn học sinh đã được tự tay thực hiện những thí nghiệm hóa học hết sức độc đáo dưới sự hướng dẫn chi tiết và tỉ mỉ của thầy giáo Trần Minh Đức - giáo viên tổ Hóa học và cô giáo Phạm Thị Thu Hương - thực tập sinh môn Hóa học tại trường. Với chủ đề “Sự kì diệu của hóa học”, trong buổi trải nghiệm lần này, thầy Minh Đức và cô Thu Hương đã lựa chọn ba thí nghiệm: đèn giao thông, núi lửa phun tràođèn lava.


Những thí nghiệm được các thầy cô lựa chọn đều rất đơn giản nhưng không kém phần thú vị. Điều đó đã khiến cho các bạn học sinh tham gia trải nghiệm vô cùng háo hức và trầm trồ thích thú.


Bạn Phan Thị Linh Châu (11D1) và Hoàng Hoàng Ngân (10N3) thực hiện thí nghiệm làm đèn lava

Với thí nghiệm đèn giao thông, chúng ta cần lấy 25ml dung dịch NaOH, sau đó lấy 1 nửa thìa đường glucozo, lắc đều cho đường tan hết. Sau đó cho khoảng 20ml chỉ thị Indigo vào hỗn hợp trên, đậy nắp bình tam giác lại. Đợi dung dịch chuyển sang màu vàng rồi cầm lên lắc đều, ta sẽ thấy dung dịch đổi từ vàng sang đỏ rượu và cuối cùng là xanh lá. Sở dĩ nó được gọi là thí nghiệm “đèn giao thông” vì ba màu của dung dịch được biến đổi liên tục như màu của đèn giao thông.

Còn với thí nghiệm đèn lava, chúng ta cho 20ml nước vào bình tam giác chuyên dụng để thí nghiệm, rồi cho vào nước một ít màu thực phẩm, lắc để màu tan ra. Đổ dầu ăn vào bình đến mức 150ml và cho một viên C sủi vào. Vậy là ta đã có được một đèn lava. Khi chiếu ánh sáng vào, đèn sẽ trở nên vô cùng lung linh.

Với thí nghiệm núi lửa phun trào, chúng ta chỉ cần đốt một lượng muối (NH4)2Cr2O7 là đã có ngay một thành phẩm vô cùng ấn tượng.


Sản phẩm bắt mắt của thí nghiệm “núi lửa phun trào”

Tuy chỉ diễn ra trong một giờ đồng hồ ngắn ngủi nhưng buổi trải nghiệm nằm trong chuỗi dự án STEM bổ ích này đã để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng các bạn học sinh trong và ngoài câu lạc bộ khoa học SPC. Bạn Nguyễn Quế Châu (11A1) chia sẻ những cảm xúc khi tham gia hoạt động của CLB: “Mình thực sự cảm thấy rất vui vì được tham gia một hoạt động trải nghiệm bổ ích như vậy. Hai thầy, cô rất nhiệt huyết và tận tình hướng dẫn nên các thí nghiệm đều thành công, tạo nên những hình ảnh rất đẹp và vui mắt nữa. Sau mỗi thí nghiệm, được lắng nghe thầy, cô giải thích và liên hệ, mình cảm nhận như kiến thức của mình được mở rộng hơn rất nhiều”. Cô giáo Phạm Thị Thu Hương – giáo viên hướng dẫn thực hiện các thí nghiệm cũng chân thành bày tỏ cảm nhận: “Cô thực sự rất vui khi thấy các bạn tích cực tham gia buổi trải nghiệm như vậy. Cô mong rằng SPC có thể tổ chức nhiều buổi trải nghiệm hơn để các bạn học sinh trong và ngoài CLB có cơ hội để tự tay thực hiện những thí nghiệm hóa học cũng như thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình”.

Hãy cùng đón chờ những buổi trải nghiệm tiếp theo của SPC, bởi chắc chắn rằng trong thời gian sắp tới, CLB sẽ mang đến rất nhiều thí nghiệm thú vị hơn nữa, giúp chúng ta có cái nhìn mới mẻ hơn về khoa học - lĩnh vực mà từ trước đến nay vẫn luôn được biết đến là vô cùng “khô cứng và nhàm chán”.

Bài viết: Lê Phương Thảo (CLB Khoa học)

Ảnh: CLB Khoa học