Mặc dù đã trở về học tập dưới mái trường Nguyễn Tất Thành thân yêu được bốn tuần rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in khoảng thời gian mà học sinh khối 10 chúng tôi tham gia khóa học Học kì Quân đội ở trường Quân sự Quân khu II- Vĩnh Yên. Tuy quãng thời gian đó không dài nhưng cũng đủ để lại cho chúng tôi những dư âm ngọt ngào.

Ký ức về chuyến đi ấy lại ùa về như những thước phim quay chậm. Hôm ấy, khi ngồi trên chuyến xe di chuyển đến thành phố Vĩnh Yên, ai cũng có tâm trạng háo hức xen lẫn hồi hộp, lo âu và cố hình dung ra những điều mới mẻ đang chờ đón mình. Khi chiếc xe đi qua cánh cổng trường quân sự, hiện ra trước mắt tôi một khung cảnh ngăn nắp, uy nghiêm với không khí trong lành, yên tĩnh, cỏ cây hoa lá được chăm chút, cắt tỉa gọn gàng. Mỗi lớp được biên chế thành một trung đội. Lớp 10D2 chúng tôi do thầy Uyên- một cán bộ ở đây làm trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy và dạy bảo.

Được khoác trên mình những bộ quần áo xanh lá cây hay rằn ri, tôi thấy mình như lớn hơn và cảm thấy rất hãnh diện. Hãnh diện ở đây là được mặc màu xanh áo lính mà không phải ai cũng vinh dự có được. Và hơn tất cả, bộ quần áo ấy đã giúp tôi như trưởng thành hơn trong vai trò của một người lính trẻ đứng trong hàng ngũ quân đội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Ấn tượng nhất trong thời gian trải nghiệm ở kì học quân đội là được học tập và rèn luyện giống như những người chiến sĩ thực thụ. Công việc đầu tiên chúng tôi làm là trồng rau, nhặt cỏ, vệ sinh doanh trại… Tuy đó là việc rất đỗi bình thường nhưng đem đến niềm vui cho bộ đội cụ Hồ, gợi cho các anh nhớ đến công việc thường ngày ở quê nhà. Tiếp theo chúng tôi được làm quen với một số môn học của người lính như điều lệnh đội ngũ, cách mắc tăng võng và sử dụng một số loại vũ khí… Nghe có vẻ dễ nhưng đến khi bắt tay vào thực hành thì sao mà vụng về, lúng túng đến vậy! Thú vị hơn là chúng tôi còn được giới thiệu về bếp Hoàng Cầm. Chính bếp Hoàng Cầm đã giúp cho bộ đội có những bữa cơm dẻo canh ngọt và tránh bị địch phát hiện. Tôi thật cảm phục bác Hoàng Cầm- người đã chế tạo ra chiếc bếp lợi hại ấy. Có lẽ chỉ bộ đội cụ Hồ mới có sáng kiến độc đáo đến như thế! Chúng tôi còn được rèn luyện sức khỏe bằng các bài thể dục, 16 động tác võ tay không. Mới đầu những bài học ấy đối với tôi quả là khó khăn. Nhưng sau đó, nhờ được dạy dỗ tận tình, chúng tôi đã quen dần và thấy hứng thú từ lúc nào không hay. Đặc biệt tất cả chúng tôi đều hào hứng với tiết học sơ cứu thương và cách khám chữa một số bệnh thông thường. Buổi học vừa vui vừa hấp dẫn bởi sự dẫn dắt của cô y tá bộ đội xinh xắn, chúng tôi lại thấy mình giống như những thầy thuốc thực thụ.

Không chỉ được rèn luyện như một người lính ở trên thao trường mà trong cuộc sống tập thể, chúng tôi cũng được rèn theo kỉ luật quân đội. Buổi sáng, năm giờ báo thức và khi nghe tiếng còi của trung đội trưởng, mọi người đều chạy ra sân tập thể dục. Ngày đầu tiên còn chuệch choạc nhưng sau đó quen dần và còn cảm thấy sảng khoái khi được hít thở không khí trong lành vào các buổi sớm mai. Và chắc ai cũng biết trật tự nội vụ ở trong quân đội phải gọn gàng ngăn nắp, ví dụ như gấp chăn màn phải vuông vắn như hộp diêm. Chúng tôi cũng vậy. Ban đầu gấp chưa được đẹp nhưng sau khi được thầy Uyên hướng dẫn tận tình, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cá nhân của mình. Từ đó mà tôi thấu hiểu hết ý nghĩa câu khẩu hiệu “kỉ luật là sức mạnh của quân đội”.

Quên sao được những “bữa cơm bộ đội” dù không được ngon như cơm mẹ nấu nhưng cũng làm ấm lòng học sinh Nguyễn Tất Thành chúng tôi. Chính nhờ những bữa cơm tập thể đơn sơ ấy đã tiếp sức cho các chiến sĩ có thêm sức mạnh để học tập, rèn luyện, cống hiến cho Tổ Quốc.


Thời gian ở bên nhau quá ngắn ngủi nên chúng tôi thường tranh thủ thủ thỉ tâm tình cùng nhau vào trước lúc đi ngủ hay khi đi tắm, giặt hoặc vào ca gác đêm. Vì vậy chỉ sau có một tuần, chúng tôi đã coi nhau như người thân sống chung một mái nhà mang tên 10D2.


Qua chuyến đi này tôi cũng vô cùng cảm phục tinh thần người lính cụ Hồ nơi đây nói riêng và trên mọi miền Tổ Quốc nói chung. Bởi họ đang được huấn luyện trong môi trường có kỉ cương kỉ luật đến khắc nghiệt theo phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”. Và dù có khó khăn gian khổ nhưng tình đồng chí đồng đội đã giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua mọi thử thách. Nghĩ về các anh, trong tôi những vần thơ đầy tính nhân văn và dạt dào cảm xúc của nhà thơ Chính Hữu lại ùa về:

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí!...

Chuyến đi đến trường Quân sự Quân khu II ở Vĩnh Yên quả là một hoạt động thú vị. Nó giúp tôi trưởng thành hơn, tự lập hơn và sống có kỉ luật hơn. Đặc biệt nó càng làm cho tôi hiểu rõ về những người lính- những người đang ngày đêm cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những con người ấy, cuộc sống và nhân cách của họ chính là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Những điều học được ở các anh là một phần hành trang trong bước đường trưởng thành của chúng tôi sau này.

 

Trần Khánh Linh- Lớp 10D2