Với mục đích trang bị cho các học sinh đầy đủ kiến thức, kĩ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay, vào sáng ngày thứ 5, ngày 13/12 vừa qua, các thầy giáo, cô giáo trong nhóm dạy học STEM của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã triển khai hoạt động dạy học STEM tại lớp 8A3. Dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy giáo Lưu Minh Đức (Tổ Vật lí) và cô giáo Nguyễn Thị Lâm Quỳnh (Tổ Vật lí), các bạn học sinh đã thể hiện rõ niềm thích thú, ham học hỏi đối với hoạt động này.

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kĩ thuật) và Maths (Toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu  trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tiếp cận với môn học này càng sớm, học sinh càng có thêm nhiều cơ hội học hỏi, trang bị kĩ năng, năng lực để có chế tạo sản phẩm và hiểu được quy trình để làm ra nó. Và hoạt động dạy học STEM tại lớp 8A3 đã xoay quanh việc tìm hiểu: Chiếc đèn LED và quy trình lắp ráp ra chúng.


Ánh sáng từ những chiếc điện thoại thông minh là minh họa cụ thể cho ánh sáng màn hình LED

Mở đầu, các học sinh được tiếp cận vấn đề bằng việc trả lời một số câu hỏi về các loại đèn LED trong ứng dụng đời sống thực tế. Sau đó, các bạn được thực hành một thí nghiệm nhỏ để tìm hiểu một số loại màu tạo ra màn hình LED của điện thoại thông minh (smartphone).


Chỉ từ chiếc smartphone nhỏ, các học sinh đã có thể
tìm hiểu rất nhiều điều về khoa học thực tiễn xung quanh ta


Buổi học thu hút đông đảo sự theo dõi của các thầy giáo, cô giáo

Sau khi tiếp cận những bước đầu, thầy giáo Lưu Minh Đức đã giới thiệu đến lớp 8A3 cấu tạo, nguyên lí hoạt động của các loại đèn LED. Hoạt dộng STEM có một ưu điểm vượt trội đó là “học luôn đi đôi với hành”. Dựa trên những kiến thức thầy giáo vừa cung cấp, các học sinh cần vận dụng vào thực tiễn để lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc đèn LED nhỏ. Quá trình lắp ráp được thực hiện một cách đầy đủ, sống động như một quy trình ngoài thực tế, thậm chí bao gồm cả những bước hàn điện để lắp các bộ phận của đèn lại với nhau.


Các học sinh lớp 8A3 chăm chú lắng nghe hướng dẫn của giáo viên


Cô giáo Nguyễn Thị Lâm Quỳnh đang cùng các bạn nhỏ hàn điện để lắp ráp nên chiếc đèn LED


Chúng mình cùng thực hành nào!

Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa kiến thức lí thuyết hàn lâm và thực tiễn, tạo điều kiện cho các bạn học sinh thể hiện năng lực giải quyết vấn đề trong quá trình xử lí kĩ thuật. Từ đó, bộ môn sẽ kích thích niềm đam mê, sự khám phá của các học sinh với các vấn đề khoa học kĩ thuật trong đời sống hàng ngày.


Buổi học không thể diễn ra thành công nếu thiếu đi sự chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo

Kết thúc buổi học, các bạn học sinh được thực hành thí nghiệm về màu sắc phản chiếu từ ánh sáng đèn LED, đồng thời trả lời các câu hỏi dựa trên những kiến thức đã tiếp thu được.


Kết thúc bài học, học sinh được tìm hiểu về đèn LED đổi màu

Sau buổi học, học sinh Nguyễn Khánh Thi - lớp 8A3 chia sẻ: “Em thấy buổi học này khá ý nghĩa, qua đó em có thể hiểu và biết rõ hơn về màn hình led. Chúng em cũng rất vui và hào hứng với các hoạt động thực hành và trả lời câu hỏi của chương trình STEM. Cách học này rất hữu dụng và gần gũi trong thực tế. Vừa học vừa trải nghiệm khiến cho em thích thú hơn, chúng em cần lắng nghe và tập trung cao độ thì mới có thể thực hành và áp dụng vào bài tập được. Qua cách học này, chúng em cảm thấy được tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, giúp chúng em hình dung đối tượng cụ thể hơn, cho chúng em cơ hội sáng tạo nhiều hơn.

Buổi học STEM đã mở ra những trang tri thức mới cho các bạn học sinh 8A3 và để lại trong mỗi bạn học sinh là những niềm đam mê, thích thú với các bộ môn học khoa học. Mong rằng những buổi học thú vị như vậy sẽ tiếp tục được lan rộng dưới mái trường mang tên Bác, bởi nó không chỉ mang lại phương pháp dạy học hiệu quả mà còn là một phương pháp đổi mới giáo dục trong thời đại 4.0 hiện nay.

Bài viết: Nguyễn Trúc Quỳnh (11D2)

Ảnh: Phạm Đức Thọ (11D2) - Lê Khánh Vy (10D4)