Vào 13 giờ 05 phút, tại phòng học lớp 11A1, phiên tòa xét xử Bê-li-cốp - một công dân Nga với lối sống quái dị, ảnh hưởng đến cư toàn thành phố đã diễn ra nghiêm túc nhưng không kém phần “sôi động”. Phiên tòa kéo dài 2 tiết học với diễn biến và lời tuyên án rất thích đáng cho vụ việc này. Nhà đạo diễn tài ba kiêm người cầm cân nảy mực giấu mặt trong phiên tòa chính là cô giáo dạy Văn của lớp chúng tôi.


Quang cảnh toà án ngay trước khi phiên tòa diễn ra

Thành phần tham dự gồm có :

- Về phía Viện kiểm sát: Ông/Bà Dương Phương Nam, Trịnh Quốc Hiếu, Trương Xuân Tùng và đồng nghiệp.

- Về phía Luật sư: Ông/Bà Bùi Thị Mai Anh, Vũ Hàn Duy Anh, Phan Anh Thư, Hoàng Minh Quang và đồng nghiệp.

- Về phía Bồi thẩm đoàn: Ông/Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Quốc Cường và Chu Gia Khánh.

- Bị cáo Bê-li-cốp, nhân chứng: Cô-va-ren-cô, Va-ren-ca, Bu-rơ-kin,... và toàn thể quần chúng nhân dân lớp 11A1.

Mở đầu phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đã có những lập luận thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình về việc: “Bị cáo Bê-li-cốp đã có những lối sống ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chung của toàn thành phố”.


Chân dung bị cáo Bê-li-cốp (do thời tiết tại đất nước 11A1 khá nóng bức nên tòa đặc cách cho bị cáo được sử dụng quạt mini trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra)

Ngay sau khi ông Dương Nam lập luận đầu phiên tòa, đại diện Luật sư, ông Hoàng Minh Quang cũng đã có những phản biện rất nhanh và sắc bén để bào chữa cho thân chủ của mình: “Bê-li- cốp chỉ là nạn nhân của xã hội Nga thế kỉ XIX, hơn nữa, chưa có ai góp ý để thân chủ tôi biết mà sửa tật xấu.


Đại diện Viện kiểm sát trình bày lần 1, “ông” Dương Phương Nam


Đại diện phía luật sư – ông Hoàng Minh Quang

Viện kiểm sát cho rằng, việc bị cáo tới làm phiền nhà riêng của chị em Va-ren-ca và phê phán lối sống riêng của họ như đi xe đạp, đọc sách,... là vi phạm quyền riêng tư và khiếm nhã với phụ nữ. Hơn nữa, vì lối sống ấy của bị cáo, cư dân toàn thành phố không dám “gửi thư, làm quen, đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy chữ,...”, đó là hiện trạng rất cần được giải quyết ổn thỏa.


Cuộc tranh luận bất phân thắng bại giữa đại diện Viện kiểm sát và Luật sư

Trong lời tranh biện, khi Viện kiểm sát cho rằng Bê-li-cốp là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến các cư dân thành phố, thì phía luật sư lại phản biện rằng: “Chính xã hội mục nát của Nga đương thời mới là con sâu làm vẩn đục bát canh, ở đây là con người ông Bê-li-cốp”.

Ngay sau đó, Bồi thẩm đoàn gồm 3 thành viên: bà Nguyễn Hồng Hạnh, ông Chu Gia Khánh và ông Trần Quốc Cường – thẩm phán đã đưa ra lời tuyên án cuối cùng đối với bị can Bê-li-cốp.


Thành viên nữ duy nhất trong bồi thẩm đoàn, bà Nguyễn Hồng Hạnh

Ông Trần Cường tuyên án: “Bị cáo Bê-li-cốp tuy đã có lối sống không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến toàn thành phố nơi ông sinh sống; song đó là lỗi không quá lớn. Vì vậy, mức án tù hay tử hình là không phù hợp. Do đó, sau một hồi nghe hai bên Viện kiểm sát và Luật sư tranh biện cũng như hội ý, tòa tuyên án: Phạt anh Bê-li-cốp cải tạo 5 năm để tu sửa lối sống. Trong quãng thời gian đó, anh Bê-li-cốp gặp gỡ mọi người trong thành phố phải trò chuyện một cách cởi mở, chân thành, tuyệt đối không được nhắc đến các thông tư, chỉ thị; phải tham dự nhiệt tình các hoạt động cộng đồng của thành phố; phải tu sửa lại nơi ở cho thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên. Sau 5 năm, toàn thể nhân dân thành phố sẽ biểu quyết có tha tội cho anh hay không.”

Phiên tòa 90 phút đã kết thúc với lời tuyên án thật hợp tình, hợp lí sau bao lập luận sắc bén, tài tình và không khí phản biện sôi nổi, bất ngờ.

Một tác phẩm văn học Nga cách chúng ta hàng thế kỉ, giờ đã được sân khấu hóa sinh động, lấy “học sinh là trung tâm” khiến việc hiểu và ngấm tác phẩm “Người trong bao” thật dễ chịu mà hiệu quả.

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi được học Văn theo phương pháp này. Chúng tôi cảm thấy hài lòng, hứng thú với cách bố trí, tổ chức, hướng dẫn học tập của cô giáo dạy Văn – cô Phạm Thị Hoàng Khuyên. Sau nhiều trải nghiệm “học mà vui, vui mà học” như thế này, tập thể 11A1 chúng tôi càng thêm yêu môn Văn và cảm thấy môn Văn không đáng sợ với “dân tự nhiên” như chúng tôi lầm tưởng, thành kiến.

Bài viết: Nguyễn Hồng Hạnh (11A1)

Ảnh: Trịnh Quốc Hiếu, Ninh Đức Anh, Nguyễn Thu Trà, Nguyễn Vũ Huấn (11A1)