CUỘC THI "SÁCH VÀ TÔI"

Bài học sâu sắc dành cho nhiều thế hệ độc giả

Chắc hẳn những độc giả yêu thích văn học Nga đều biết đến tác phẩm nổi tiếng: “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Otrovsky. Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam. Tác phẩm đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh vào các năm 1942 với phim: “Thép đã tôi thế đấy”, năm 1956 với phim Pavel Korchagin, năm 1975 với 6 tập “Thép đã tôi thế đấy” và gần đây đươc sản xuất thành một bộ phim truyền hình dài 20 tập vào năm 1999 tại Trung Quốc. Cho tới thời điểm này, cuốn sách đã được tái bản 772 lần với tổng ấn lượng lên đến 74 triệu bản.


Thép đã tôi thế đấy” là một câu chuyện cảm động và sâu sắc về chàng thanh niên Pavel Kochagin – hiện thân của tác giả Otrovsky. Otrovsky sinh ngày 29-9-1904, là người con thứ năm của một gia đình công nhân nghèo ở làng Viliya, phía Tây của Ukraina. Khi quân Đức hiếm đóng làng vào năm 1918, lúc này Otrovsky đang hoạt động ngầm cho Đảng Bonsevik. Tháng 7 cùng năm, ông gia nhập Hồng Quân và phục vụ cho đoàn kỵ binh Kotovsky. Sau nhiều lần bị thương trong chiến đấu và mắc bệnh nặng, ông được gửi đi trị bệnh cạnh bờ biển Azov. Tháng 12 năm 1926, ông bị mắc chứng bại liệt. Tháng 8 năm 1929, ông bị mù hoàn toàn. Năm 1930, dù bị bại liệt và mù hoàn toàn nhưng ông vẫn viết ra được một tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học: “Thép đã tôi thế đấy”. Ông mất ngày 22-12-1936 khi đang viết dở tác phẩm “Sinh ra trong bão táp”.

Cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” ra đời khi Otrovsky trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, gian khổ: bị bại liệt, bị mù và bệnh tật không ngừng tàn phá cơ thể. Có thể nói, mỗi trang viết chính là một sự trải nghiệm; đồng thời thể hiện sự cố gắng nỗ lực không ngừng của Otrovsky trong cuộc sống.

Thép đã tôi thế đấy” được phát hành bởi NXB Văn học; cuốn sách dày 241 trang, chia làm 18 chương nói về cuộc đời của một người chiến sĩ Cách mạng: Pavel Korchagin. Anh là một thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, mang trong mình lòng yêu Tổ quốc cao cả, lí tưởng cống hiến sức trẻ của mình cho Cách Mạng, Đảng cộng sản. Rồi Pavel bị mắc bệnh thương hàn, bại liệt, mù, vôi hóa cuộc sống và phải ngồi xe lăn... Tưởng chừng như những lúc đó, cuộc đời anh đã đặt ra một dấu chấm hết thì anh vẫn không lùi bước trước khó khăn và thách thức, không ngừng tin tưởng và hi vọng. Cuối cùng thì anh cũng tìm ra một cuộc sống mới, một bước ngoặt mới trong cuộc đời: viết sách. Anh lại phấn chấn, giống như được cầm vũ khí mới và quay trở về hàng ngũ chiến đấu. Pavel đã để lại một bài học vô cùng sâu sắc về cuộc sống dành cho biết bao thế hệ độc giả sau này:

“Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”

Pavel chính là tấm gương lớn cho thế hệ thanh niên Việt Nam một thời sẵn sàng hi sinh, xả thân vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như lời Nguyễn Văn Thạc từng viết trong “Mãi mãi tuổi hai mươi”: Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng..."

Có những con người sẽ còn sống mãi với lịch sử, có những trang sách sẽ còn được lưu truyền mãi tới các thế hệ độc giả mai sau, có những bài học về cuộc đời sẽ không bao giờ cũ. Hãy cầm trên tay và thưởng thức “Thép đã tôi thế đấy”. Tôi tin bạn sẽ có những phút giây trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ!

Trần Việt Đức - Lớp 7A4