Cứ mỗi độ tháng 9 – thời điểm tựu trường, giao thông trên địa bàn thành phố lại trở nên đông đúc hơn cả, đặc biệt, các khu vực trường học luôn là tụ điểm tắc đường khá nghiêm trọng. Vậy nên, vấn đề an toàn giao thông học đường đang ngày càng được quan tâm. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những lỗi vi phạm thường gặp ở các bạn học sinh khi tham gia giao thông cũng như đưa ra những giải pháp để phòng tránh.

1.      Những vi phạm thường gặp ở học sinh khi tham gia giao thông

Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên cả nước có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Trong số đó, đối tượng học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% và tỉ lệ tử vong của nhóm này có xu hướng tăng lên thành 7,39/100.000 học sinh. Thực trạng nguy hiểm đó đều xuất phát từ những vi phạm cơ bản nhất, điển hình như sau:

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi – lanh dưới 50cc và người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe gắn máy từ 50cc trở lên. 16 tuổi là độ tuổi có sức khỏe đủ để có thể điều khiển được các phương tiện giao thông như xe gắn máy đồng thời đây cũng là độ tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng thật dễ bắt gặp những học sinh lái xe máy khi chưa đủ tuổi. Các bạn có suy nghĩ sẽ không bị ai bắt gặp hay bị xử phạt, hoặc khi bị xử phạt sẽ có bố mẹ giải quyết. Chính lối suy nghĩ này là nguy cơ cho rất nhiều những rủi ro.


Hai học sinh đèo nhau bằng xe gắn máy trên 50cc

Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Mũ bảo hiểm là vật dụng vô cùng quan trọng bảo vệ phần đầu – phần quan trọng nhất của chúng ta khi tham gia giao thông. Theo khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, trẻ em từ 6 tuổi, người điều khiển và người ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Từ đó, thói quen đội mũ bảo hiểm đã hình thành tại nhiều gia đình. Hiện nay, mũ bảo hiểm cũng được thiết kế với nhiều kiểu dáng khác nhau, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nhưng vẫn còn những học sinh coi thường mạnh sống của bản thân mà bỏ qua vật bất li thân này, hoặc lựa chọn mua những chiếc mũ bảo hiểm giả, bán tràn lan không có tem chống giả trên thị trường. Trong trường hợp xảy ra tai nạn thì vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.


Không đội mũ bảo hiểm đồng nghĩa với việc đánh cược mạng sống khi tham gia giao thông!

Vượt đèn đỏ

Hiện nay, nhiều học sinh bất chấp vượt đèn đỏ mà không nghĩ đến hậu quả, hơn nữa còn phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng. Điều này vừa nguy hiểm đến tính mạng của bản thận, vừa ảnh hưởng đến giao thông và trật tự xã hội.


Một nhóm học sinh vượt đèn đỏ dù vẫn còn 25 giây

Chạy xe dàn hàng ngang trên đường

Đây đã là lỗi vi phạm khá quen thuộc trong giao thông học đường. Hình ảnh một nhóm học sinh đi xe dàn hàng 3, hàng 4 để vừa đi vừa nói chuyện đã trở thành một hình ảnh không mấy xa lạ. Việc làm này khiến cho giao thông vào các giờ tan tầm trở nên tắc nghẽn, kèm theo đó là rất nhiều nguy hiểm khi các bạn mất tập trung mà mải đùa nghịch trong lúc đang điều khiển phương tiện giao thông.


Học sinh đi dàn hàng ngang, vô cùng bất tiện cho những người tham gia giao thông khác

Tụ tập dưới lòng, lề đường

Đây là một vấn đề rất phổ biến. Sau khi tan học, các bạn học sinh không về ngay mà còn tụ tập ở cổng trường, ăn quà vặt, nói chuyện, gây cản trở, ách tắc giao thông. Điều này nghe có vẻ không nghiêm trọng nhưng thực ra tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khi đứng thành nhóm đông người dưới lòng, lề đường, các phương tiện giao thông sẽ gặp khó khăn khi di chuyển và chính điều đó khiến những vụ va chạm dễ xảy ra hơn.


Hình ảnh rất dễ bắt gặp ở cổng trường

Sang đường không đúng nơi quy định

Lỗi này thường xảy ra ở các bạn học sinh đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Khi di chuyển qua đường, chúng ta thường đi tắt qua các dải phân cách hoặc các lối trồng hoa ở trên đường với mục đích tiết kiệm thời gian. Dù vậy, việc đi qua đường ở nơi không phải vạch kẻ đường hay cầu qua đường rất dễ khiến cho các bạn bị tai nạn và cũng phần nào gây ùn tắc giao thông…


Hai học sinh thản nhiên qua đường dù cho xung quanh có nhiều xe qua lại đông đúc

2.      Giải pháp

Đầu tiên, bản thân mỗi học sinh cần có cho mình một vốn hiểu biết nhất định về Luật an toàn giao thông đường bộ và cần nghiêm chỉnh chấp hành những luật lệ đó. Tiếp theo, mỗi gia đình cần định hướng và nhắc nhở, giáo dục, giúp cho con luôn thực hiện đúng theo các điều luật. Nhất là các bậc phụ huynh, cần làm gương cho con, không tạo điều kiện cho con vi phạm Luật ATGT. Về phía Nhà trường, cần hỗ trợ gia đình cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết về ATGT, tạo các hoạt động để học sinh có cơ hội được tự tìm hiểu như tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ về chủ đề ATGT, các cuộc thi tìm hiểu về Luật ATGT,… Tại ngôi trường mang tên Bác – Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành của chúng ta, Nhà trường luôn quan tâm đến việc giáo dục học sinh chấp hành Luật ATGT khi đã thực hiện các biện pháp như tổ chức các chương trình tuyên truyền, các buổi sinh hoạt lớp với chủ đề ATGT và thành lập đội xung kích kiểm soát tình hình tham gia giao thông của các học sinh,...



Giờ chào cờ ý nghĩa về chủ đề ATGT tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành




Học sinh cùng nhau tìm hiểu về luật ATGT

Với sự đồng hành, kết hợp giữa Nhà trường và gia đình, cùng ý thức của bản thân mỗi học sinh chúng ta, hãy cùng chung tay tạo nên một môi trường giao thông học đường thật an toàn, vì một ngày mai tươi sáng!

Bài viết: Trịnh Hiểu Phương (10D4)

Ảnh: Sưu tầm